Đâu là thị trường “vừa miếng” cho những nhà đầu tư ít tiền; Nhà đầu tư ngoại đăng ký rót 3,15 tỉ USD vào thị trường bất động sản; Cần Giờ sẽ có cảng biển 6 tỉ USD; Đâu là bến đỗ của dòng tiền nửa cuối năm 2022… là những thông tin nóng trong tuần qua.
Chuyến xe “bão táp” và những cạm bẫy chực chờ người mua đất nền vùng ven
Trong bối cảnh giá nhà đất tại TP.HCM đã quá cao, các thị trường lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Trong đó, hấp dẫn nhất vẫn là phân khúc đất nền.
Là loại hình đầu tư được ưa chuộng bởi khả năng sinh lời cao, nhiều lựa chọn giá cả, đặc biệt được nâng đỡ bởi thông tin hàng loạt hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai khiến đất nền luôn có nhu cầu lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp uy tín, đầu tư dự án bài bản, chuẩn pháp lý thì cũng có không ít công ty bất động sản nhỏ lẻ làm ăn chụp giựt, vẽ ra đủ chiêu trò để lôi kéo khách hàng.
Đâu là thị trường “vừa miếng” cho những nhà đầu tư ít tiền?
Trong số các địa phương giáp ranh với TP.HCM thì Long An đang lép vế hơn về độ sôi động của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, đây là khu vực còn ẩn chứa nhiều tiềm năng và có sự đa dạng về sản phẩm. Đặc biệt, thích hợp cho những nhà đầu tư ít vốn, tầm nhìn trung – dài hạn.
Tại Đồng Nai, những khu vực giáp ranh với TP.HCM được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để hình thành nên các dự án quy mô lớn, tạo nên chuỗi đô thị vệ tinh thu hút xu hướng ly tâm của một nhóm khách hàng. Không quá sôi động như Bình Dương hay Đồng Nai, nhưng Long An cũng đang dần có “tiếng nói” trên thị trường bất động sản của khu vực. Thế mạnh của địa phương này là còn dư địa phát triển rất lớn. Trong đó phải kể đến cơ sở hạ tầng giao thông và quỹ đất dồi dào.
Nhà đầu tư ngoại đăng ký rót 3,15 tỉ USD vào thị trường bất động sản
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỉ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù vốn đăng ký mới chưa phục hồi hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, song vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh lần lượt là 65,6% và 41,4%. Cụ thể, có 752 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 6,5% so với cùng kỳ) nhưng tổng vốn đăng ký đạt trên 4,94 tỉ USD, giảm đến 48,2% so với cùng kỳ. Đồng thời có 487 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 5,9% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 6,82 tỉ USD, tăng 65,6% so với cùng kỳ.
Cần Giờ sẽ có cảng biển 6 tỉ USD?
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản gửi Thủ tướng về việc đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ. Việc xây dựng công trình này hướng tới mục tiêu dịch chuyển một phần hoạt động trung chuyển container quốc tế về Việt Nam. Theo đề xuất của một tập đoàn nước ngoài, dự án có quy mô hơn 7 km cầu cảng, có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, công suất thông qua khoảng 10-15 triệu teus.
Khu cảng trung chuyển dự kiến chia làm 7 giai đoạn triển khai. Nhà đầu tư mong muốn giai đoạn một dự án làm vào đầu năm 2024, khai thác 4 năm sau đó. Giai đoạn cuối sẽ được hoàn thành năm 2040. Theo UBND TP.HCM, khu bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép nằm tại vị trí có điều kiện tự nhiên thuận lợi về độ sâu luồng, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế có thể đáp ứng cho tàu có trọng tải 250.000DWT (24.000 Teus) hoạt động tuyến Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ.
Đâu là bến đỗ của dòng tiền nửa cuối năm 2022?
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, cho biết trong quý 2-2022, thị trường trở nên sôi động, đón nhận số lượng sản phẩm tăng cao đột biến so với cùng kỳ, đạt gần 13.000 căn. Tổng nguồn cung mới trong nửa đầu 2022 gần bằng nguồn cung mới cả năm 2021. Điều này cho thấy thị trường có sức bật rất cao.
Tuy nhiên theo ông Kiệt, số lượng sản phẩm này chủ yếu tập trung ở một số dự án lớn, tức số lượng dự án không có sự chuyển biến nhiều mà chỉ tăng về sản phẩm. Về giá bán, ông Kiệt cho biết thị trường đang trong xu hướng tăng cao. Hiện nay, thị trường TP.HCM không có căn hộ bình dân và trung cấp, nếu có chỉ nằm ở xa trung tâm. Nguồn cung trên thị trường hiện nay chủ yếu đến từ các dự án cao cấp và hạng sang. Chính sự xuất hiện của các dự án này đã đẩy giá bán căn hộ ở thị trường TP.HCM tăng vọt.
Giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng vẫn đang diễn biến rất sôi động
Kể từ khi xuất hiện thông tin về việc triển khai dự án cao tốc kết nối tỉnh Đồng Nai lên Lâm Đồng cùng với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn tên tuổi lớn tìm đến nghiên cứu đầu tư, thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng đã sôi động hẳn lên.
Cụ thể, trong quý 1 và quý 2/2021, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận một lượng lớn giao dịch bất động sản, chủ yếu là đất nền, với 24.531 giao dịch thông qua công chứng. Bước sang quý 2 và quý 3/2021, lượng giao dịch bất động sản tại Lâm Đồng có sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, song số lượng giao dịch đất nền vẫn giữ ở mức cao so với nhiều địa phương lân cận như Kon Tum, Gia Lai.