Bất động sản Tây Nam Bộ còn nhiều dư địa phát triển nhờ chính sách đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, quỹ đất rộng và mặt bằng giá.
Tại sự kiện công bố báo cáo thị trường quý II/2022 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, ông Dương Quốc Thủy – Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội bất động sản TP Cần Thơ nhận định khu vực Tây Nam Bộ có nhiều lợi thế để hút dòng tiền đầu tư trong thời gian tới. Hiện quỹ đất dành cho phát triển nhà ở tại Tây Nam Bộ còn rất lớn trong khi mặt bằng giá thấp, thị trường tương đối ổn định, ít xảy ra tình trạng sốt đất ảo.
Động lực thúc đẩy thị trường Tây Nam Bộ
Mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết trong giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Riêng nguồn vốn dành cho đầu tư đường cao tốc là 42.647 tỷ đồng, chiếm 20% tổng mức đầu tư đường cao tốc trên phạm vi cả nước.
Hạ tầng giao thông được đẩy mạnh đầu tư đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn vừa qua. Một số tuyến giao thông trọng điểm đang được ưu tiên đẩy mạnh là cao tốc TP HCM – Cà Mau, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau… Ngoài ra dự án cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng), cảng Hòn Khoai (Cà Mau) cùng dự án mở rộng sân bay quốc tế Cần Thơ đang thu hút đầu tư cũng thúc đẩy kết nối liên vùng, dịch vụ logistic tại khu vực.
Tây Nam Bộ vừa qua cũng ghi nhận sự hiện diện của nhiều chủ đầu tư lớn nhỏ với loạt dự án từ khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp và logistic. Điển hình như Tập đoàn T&T khảo sát ba dự án tổng quy mô 554 ha tại Cần Thơ, Tập đoàn Hòa Phát cũng được UBND TP Cần Thơ chấp thuận cho khảo sát, nghiên cứu hàng loạt dự án đô thị thương mại với tổng diện tích 552 ha. Tập đoàn Sovico cũng đề xuất đầu tư dự án Khu logistic và Công nghiệp hàng không Cần Thơ khoảng 1.650 ha.
Bên cạnh lợi thế về hạ tầng, quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn, mặt bằng giá bất động sản Tây Nam Bộ cũng còn nhiều dư địa tăng trưởng so với các khu vực khác. Bà Nguyễn Thị Hoàng Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ cho biết giá cao nhất ở trung tâm TP Cần Thơ khoảng 35-60 triệu đồng một m2, Trà Vinh từ 28-40 triệu một m2, Rạch Giá từ 23-32 triệu một m2, các đô thị khác trên dưới 20 triệu một m2.
“Phân khúc giao dịch tốt là bất động sản gần khu công nghiệp, nhà phố xây sẵn khu vực trung tâm, căn hộ nhà ở xã hội… thu hút sự quan tâm của người mua”, bà Hoa cho hay.
Hậu Giang đón dòng vốn đầu tư
Trong xu thế phát triển của bất động sản Tây Nam Bộ, Cần Thơ và Hậu Giang được đánh giá “vùng trũng” đón dòng tiền đầu tư nhờ thừa hưởng tất cả lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó Hậu Giang được hưởng lợi lớn nhờ vào phát triển hệ thống giao thông vùng bao gồm quốc lộ 1A, quốc lộ 61, 61B, quốc lộ Nam Sông Hậu…
Trong giai đoạn 2021-2025, phát triển đô thị được UBND tỉnh Hậu Giang xác định là một trong bốn khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội. Nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay của địa phương là xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn xanh, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Một trong những dự án được kỳ vọng góp phần thay đổi diện mạo đô thị tại Hậu Giang là The Venice City nằm ở trung tâm TP Vị Thanh do Công ty TNHH TNT Land phát triển. Khu đô thị theo phong cách Italy sở hữu ba mặt cận thủy với lợi thế giao thương từ hai mặt tiền đường tỉnh lộ, ngay điểm cuối giao lộ với đại lộ Võ Nguyên Giáp.
Đại diện TNT Land cho biết hệ thống giao thông nội bộ tại dự án được quy hoạch đồng bộ với đường nội phân khu 12m, các trục đường chính 24m. Dự án cũng chú trọng không gian xanh, yếu tố phong thủy, hài hòa với hệ sinh thái trong khuôn viên. Tiện ích nổi bật nhất của dự án là công viên ánh sáng với quy mô 1 ha.
Sau khi hoàn thiện và đi vào vận hành, dự án hứa hẹn trở thành trung tâm giao thương – giải trí của khu vực.