Một tuần sau khi tốt nghiệp đại học, Kỳ Hoa, phóng viên tại TPHCM, mua nhà giá 1,9 tỷ đồng. Khi đó là tháng 6/2020, cô 23 tuổi, gánh trên vai khoản nợ ngân hàng 900 triệu đồng.
Sau 4 năm đại học, cô gái quê gốc An Giang tích lũy được 700 triệu đồng. Khoản thu nhập này có được nhờ nghề báo, làm gia sư, chụp ảnh cho các sự kiện của trung tâm thiếu nhi, môi giới cho thuê căn hộ…
Ngoài ra, có 300 triệu đồng từ tiền mẹ bán đất ở quê, Kỳ Hoa gom được tổng cộng 1 tỷ đồng. Cô vay thêm 900 triệu đồng từ ngân hàng để đủ tiền mua nhà.
23 tuổi gánh trên vai khoản vay lớn, Hoa phải tính toán hợp lý để không rơi vào bẫy tài chính. Sau 2 năm, hiện Hoa còn nợ 500 triệu đồng. Cô chỉ ra những lưu ý rút ra từ chính bản thân khi sử dụng đòn bẩy tài chính để vay ngân hàng mua nhà.
Chỉ nên vay tối đa 50% giá trị căn nhà
Kỳ Hoa cho biết trước khi có quyết định mua nhà, nên có một khoản tiền tích lũy tối thiểu 30% giá trị căn nhà muốn mua, lý tưởng hơn thì khoản tiền tích lũy này nên bằng mức 50% giá trị căn nhà.
Theo Hoa, tỷ lệ vay 50% giá trị tài sản được xem là mức giúp người vay giảm bớt áp lực, vừa có tiền trả lãi vay ngân hàng, vừa trang trải được các chi tiêu khác trong cuộc sống.
Kỳ Hoa mua nhà từ tháng 6/2020, khi cô mới 23 tuổi. Căn hộ có diện tích 58m2 với 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh tại TP Thủ Đức, TPHCM với giá 1,9 tỷ đồng. Để “tậu” được căn hộ trên, ngoài số tiền 1 tỷ đồng mà Hoa gom góp có được, cô còn vay thêm ngân hàng 900 triệu đồng, tương đương 47% giá trị căn nhà.
Chú ý lãi suất ngân hàng và thời hạn gói vay
Sau khi tham khảo lãi suất trên thị trường, Hoa chọn một ngân hàng thương mại cổ phần có lãi suất 9,3%/năm trong năm đầu, năm sau bắt đầu tính lãi thả nổi theo thị trường và hiện lãi suất đã tăng lên 11,9%/năm. Số tiền thực trả mỗi tháng là khoảng 10 triệu đồng, trong đó gần 3 triệu đồng nợ gốc. Thời hạn gói vay là 20 năm.
Theo Kỳ Hoa, khi vay vốn ngân hàng mua nhà, người vay nên “nằm lòng” việc trả tiền gốc cố định, còn lãi vay thường bị thả nổi sau mức ưu đãi ban đầu.
Nhiều ngân hàng mời chào người vay với lãi suất ưu đãi chỉ 7,5-8%/năm, nhưng Hoa lưu ý, lãi suất ưu đãi này thường chỉ áp dụng trong 6-12 tháng đầu tiên. Kể từ tháng 13 trở đi, mức lãi suất sẽ được điều chỉnh tăng thêm khoảng 3,5-4% tùy thuộc vào từng ngân hàng và từng đối tượng vay.
Duy trì mức thu nhập hàng tháng
Kỳ Hoa tiết lộ duy trì thu nhập ổn định hàng tháng là một trong những điều quan trọng trước khi vay mua nhà. Việc có được mức thu nhập ổn định mới tạo cơ sở tài chính vững vàng để trả nợ ngân hàng (trong đó gồm cả vốn và lãi vay). Theo Hoa, người vay cần đánh giá được khả năng tài chính của bản thân nhằm hạn chế tối đa việc mất khả năng trả nợ trong tương lai.
Thu nhập trung bình hàng tháng từ công việc chính của Hoa là hơn 20 triệu đồng. Ngoài lương, nhuận bút từ nghề phóng viên hiện tại, Hoa nhận viết bài PR thêm bên ngoài và kinh doanh, đầu tư riêng.
Vay vốn ngân hàng đã giúp không ít người thực hiện thành công nhiều kế hoạch và ước mơ trong đời. “Nhưng các khoản vay đó sẽ được xử lý như thế nào nếu bản thân người vay gặp rủi ro và không thể hoàn trả nợ như kế hoạch”, cô thường xuyên đặt câu hỏi cho bản thân. Do vậy, Hoa cũng đã đổ thêm vốn vào các kênh đầu tư để tìm kiếm thu nhập thụ động.
Chủ động đối phó với bẫy lãi suất thả nổi
Để tránh gặp phải bẫy lãi suất thả nổi, theo Hoa, người vay phải ước tính trong giả định rằng lãi suất có thể tăng đến 20-30% cũng như dự đoán trước một số chi phí đột biến bất ngờ có thể xảy ra.
Như vậy, sau khi trừ đi các khoản chi tiêu hàng tháng trong gia đình thì số tiền còn lại phải đảm bảo 150% số tiền phải trả ngân hàng. “Ví dụ, bạn trả ngân hàng 10 triệu đồng/tháng thì bạn phải có số tiền dư hàng tháng là 15 triệu đồng để đề phòng tình huống lãi suất có thể bất ngờ tăng lên”, Hoa nêu.
Ngoài khoản trả cố định hàng tháng, đến cuối năm, khi có tiền tiết kiệm, thưởng tết và “chốt lời” từ các kênh đầu tư, Hoa sẽ có một khoản lớn trả thêm. Hiện Hoa còn nợ ngân hàng 500 triệu đồng. Hoa áp dụng phương pháp này và nhẩm tính với mức thu nhập hiện tại, cô sẽ chỉ mất 3-5 năm nữa để trả hết nợ.
Chỉ mua căn nhà phù hợp với nhu cầu, điều kiện kinh tế
Sau tết năm 2019, cha mẹ chia tay, Kỳ Hoa đón mẹ lên TPHCM cùng ở trọ với mình và em gái. Thấy mẹ và các em ở trong nhà trọ chật chội, nữ phóng viên quyết định mua nhà để mẹ con cùng sống trong không gian thoải mái hơn.
“Ngân hàng xét hồ sơ vay dựa trên thu nhập và hợp đồng lao động của tôi nên cũng không mất quá nhiều thời gian”, Kỳ Hoa nói. Việc ngân hàng xét duyệt hồ sơ vay, cũng khiến Kỳ Hoa nhận ra bản thân là người có đủ điều kiện kinh tế để trả nợ.
Không để khoản vay ngân hàng tạo thành gánh nặng
23 tuổi gánh trên vai khoản nợ 900 triệu đồng, Hoa không cảm thấy bi quan. Ngược lại, đó là động lực để cho cô cố gắng.
Tuy nhiên, cố gắng không đồng nghĩa với việc quên đi đầu tư cho bản thân. “Tôi kiên quyết không để số tiền đang nợ trở thành gánh nặng”, Hoa cho biết.
Hàng tháng, bên cạnh các khoản cố định cần chi trả, những khoản còn lại sẽ được cô sử dụng linh động tùy thực tế. Hiện tại, cô trả ngân hàng đều đặn 10 triệu đồng/tháng và số tiền còn lại thì cô phân bổ cho tiết kiệm, mua sắm và tiêu dùng, học đàn, múa và ngoại ngữ… Một năm, Hoa cũng sẽ chi tiền đi du lịch 4-5 dịp.
“Áp lực tài chính của tôi đã được san sẻ nên khoản nợ này không còn đè nặng gia đình. Tôi hàng tháng vẫn trả nợ và đủ tiền chi tiêu thoải mái”, Hoa nói.
Sau hơn 2 năm sống trong căn nhà đứng tên mình, Hoa chưa từng hối hận vì quyết định mua nhà ở tuổi 23. Theo cô, 2-3 năm đầu vay tiền mua nhà là giai đoạn khó khăn nhất. Hiện cô đã trải qua giai đoạn này và có cuộc sống thoải mái dẫu vẫn nợ ngân hàng 500 triệu đồng.
Theo Hoa, mua nhà khi có đủ tiền mặt là tốt nhất. “Nhưng không phải ai cũng có tiền, nhất là người trẻ”, Hoa cho hay. Trong trường hợp không đủ tiền, nên ưu tiên vay người thân và gia đình, sau đó mới phải chọn đến kênh ngân hàng.
“Phải xây dựng những nguyên tắc riêng và tuân thủ trong thời gian trả nợ. Có như vậy, vay mua nhà ngân hàng sẽ không làm cuộc sống khó khăn”, Hoa khẳng định.