‘Nhiều người không đủ giàu để mua nhà ở phân khúc cao hơn, nhưng cũng chẳng đủ khó khăn để thỏa mãn điều kiện mua nhà ở xã hội’.
“Chính sách nhà ở xã hội hiện tại đang bỏ rơi rất nhiều loại đối tượng. Đó là những người không đủ giàu để mua nhà ở phân khúc cao hơn; tuy nhiên lại chẳng đủ nghèo để thỏa mãn điều kiện mua nhà ở xã hội.
Tôi có người em đang làm công nhân, thường xuyên phải tăng ca. Trung bình, mỗi tháng em làm tăng ca tới gần 100 giờ để có mức lương trên 16 triệu đồng một chút. Thời gian tăng ca đôi khi cũng rất khắc nghiệt, phải làm việc liên tục từ 6h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Với mức lương này, em thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân, tuy rất ít nhưng vẫn là có đóng. Như vậy, tất nhiên em sẽ không còn thuộc đối tương được phép mua nhà ở xã hội theo quy định hiện hành. Thế nhưng, với thu nhập đó, em cũng chẳng đủ khả năng để mua nhà thương mại ở mức giá cao hơn. Ví thế, cơ hội mua nhà của em sẽ ngày càng trở nên thấp hơn khi tuổi cao lên hoặc xảy ra biến cố như ốm đau, bệnh tật”.
Đó là chia sẻ của độc giả Tnxngoc xung quanh chính sách hiện hành về nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp. Việc sở hữu một căn nhà ở xã hội ở Hà Nội hiện nay nằm ngoài tầm với của nhiều người lao động. Giá nhà ở xã hội ở Hà Nội đã tăng gần gấp đôi sau 5 năm, song điều kiện mua đã lỗi thời. Ví dụ, cách xác định “người thu nhập thấp” các thành phố lớn là thành viên trong gia đình không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, còn điều kiện về cư trú, hồ sơ giấy tờ rất phức tạp… nên lao động ở các khu công nghiệp hầu như không thể tiếp cận. Trong khi đó, người có thu nhập tốt hơn, đủ khả năng kinh tế, lại không thỏa mãn điều kiện mua nhà ở xã hội. Nói về những bất cập trong việc quy định đối tượng được mua nhà ở xã hội, bạn đọc Votuananh cho rằng: “Đây là một nghịch lý trong chính sách nhà ở xã hội. Trước kia, tôi từng làm hồ sơ mua nhà ở xã hội nhưng quy định là phải có thu nhập phải dưới mức đóng thuê mới được mua.
Trong khi đó, để thỏa mãn được điều kiện này, thì làm sao người đó đủ tiền để trả góp mua nhà hàng tháng? Tôi khuyến nghị chính sách nhà ở xã hội nên mở rộng đối tượng áp dụng cho cả những người mua nhà lần đầu và chưa sở hữu bất động sản nào. Đồng thời, trong một thời gian nhất định, người mua cũng sẽ không được sang tên, chuyển nhượng nhà ở xã hội dưới bất kỳ hình thức nào”.
Nhấn mạnh nghịch lý giá nhà ở xã hội vượt quá tầm với của người lao động thu nhập thấp, độc giả GacibOark phân tích: “Lương 7 triệu đồng một tháng mà ở thành phố thì đi thuê nhà (chưa tính chi phí nuôi con cái) đã thấy khó khăn rồi chứ không nói tới việc mua nhà. Đấy là trong điều kiện họ không ốm đau, bệnh tật, gia đình không có biến cố hay chuyện gì cần xài tiền. Chứ giả sử ở quê cần đóng góp một khoản gì đó đã là một vấn đề lớn với họ rồi.
Trong khi đó, công nhân làm gì có tài sản nào mà thế chấp vay ngân hàng? Rồi lỡ công việc không ổn định, lương cũng lên xuống bấp bênh thì nguy cơ họ vỡ nợ sẽ rất lớn nếu cố vay mua nhà ở xã hội. Nói chung người thu nhập 10 triệu đồng cũng khó mua nhà ở xã hội, chứ người 7 triệu đồng thì gần như vô vọng”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Ngô Văn Thao gợi ý giải pháp cho chính sách nhà ở xã hội: “Theo tôi, nhà xã hội đáng ra phải quy hoạch theo hướng nhà cho thuê mới chính xác về ý nghĩa và giải quyết được hết các vấn đề bất cập hiện tại. Nhà nước có thể đầu tư xây nhà xã hội cho người dân thuê với giá rẻ. Chứ như hiện nay, cứ tính xây nhà tại Hà Nội hay Tp. HCM để bán cho công nhân hay những lao động thu nhập thấp là sai ngay từ lúc bắt đầu rồi.
Người có thu nhập chỉ 5-10 triệu đồng một tháng thì ai dám tính tới chuyện mua nhà? Công nhân chỉ tính đi làm ở các khu công nghiệp để kiếm tiền, tích lũy ít vốn để sau này về quê sinh sống thôi. Mấy ai yêu công việc tới mức muốn bám trụ lại thành phố đến hết đời mà cố mua nhà ở xã hội?”.
Tổng hợp từ VnExpress