Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2022, Chính phủ vừa vừa ban hành loạt chính sách, nghị định và quyết định mới liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở.
Nghị định số 28 về cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở với hộ nghèo dân tộc thiểu số
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị định số 28/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.
Trong đó, Nghị định có 2 chương quy định cụ thể về việc cho vay hỗ trợ đất ở (chương II) và nhà ở (chương III).
Cụ thể, đối tượng được vay vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở bao gồm: Hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, đối tượng vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Cư trú hợp pháp tại địa phương và có tên trong danh sách hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về đất ở, nhà ở do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Thành viên đại diện vay vốn của hộ gia đình từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; Có phương án vay vốn phù hợp với mục đích sử dụng vốn vay.
Khách hàng được vay vốn để sử dụng vào việc trang trải chi phí để có đất ở, chi phí xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở. Mức cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/hộ (đối với cho vay hỗ trợ đất ở), 40 triệu đồng/hộ (đối với cho vay hỗ trợ nhà ở).
Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận, nhưng tối đa là 15 năm và trong 5 năm đầu, khách hàng chưa phải trả nợ gốc. Lãi suất cho vay bằng 3%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Quyết định số 10 về chuyển mục đích sử dụng đất tại một số tỉnh, thành
Đồng thời mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã ký ban hành Quyết định số 10/2022 quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND 4 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hóa và Hải Phòng tại các nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua. Theo đó, Quyết định này quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND cấp tỉnh, cụ thể là:
Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha trên địa bàn thành phố Cần Thơ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.
Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha trên địa bàn tỉnh Nghệ An quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021.
Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021.
Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha trên địa bàn TP Hải Phòng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.
Quyết định quy định cụ thể điều kiện chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư: Dự án đầu tư có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp nêu trên; Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật;
Đã được chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật mà văn bản chấp thuận còn hiệu lực đến thời điểm đề xuất; đối với dự án phải thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai thì phải được HĐND cấp tỉnh thông qua; Có phương án trồng rừng thay thế và đảm bảo kinh phí trồng rừng thay thế được xác định trong tổng mức đầu tư của dự án đối với dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế hoặc phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt.
Loạt tỉnh, thành được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành hàng loạt công văn về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa cho hàng loạt tỉnh như Hậu Giang, Bạc Liêu, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Lạng Sơn.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa chấp thuận: Cho UBND tỉnh Hậu Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 29,32 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án đường tỉnh 926B; Cho UBND tỉnh Hậu Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 19,1 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Khu đô thị mới khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh;
Cho UBND tỉnh Bạc Liêu chuyển mục đích sử dụng 68,68 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án khu đô thị mới phường 8, thành phố Bạc Liêu (36,44 ha) và Dự án khu đô thị mới công viên cây xanh tại phường 8, thành phố Bạc Liêu (32,24 ha) như ý kiến thẩm định và nội dung trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định chuyển mục đích sử dụng 20,65 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương — Thuận An thuộc khu E — Đô thị mới An Vân Dương;
Cho UBND tỉnh Ninh Bình quyết định chuyển mục đích sử dụng 36,68 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư mới phía Nam cầu vượt đường sắt Ninh Phong (có sử dụng 16,74 ha đất trồng lúa) và Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư mới phía Tây đường Lý Nhân Tông (có sử dụng 19,94 ha đất trồng lúa);
Cho UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định chuyển mục đích sử dụng 13,97 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Khu đô thị mới Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng như ý kiến thẩm định và nội dung trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thông báo số 123 về nghiên cứu chia sẻ dữ liệu đất đai, dân cư
Theo Thông báo số 123 kết luận về triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 14/4, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài Nguyên &Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an cùng nghiên cứu giải pháp chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu đất đai và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo hướng quản lý mã số thống nhất đến từng thửa đất, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cung cấp các dịch vụ công trực tuyến về đất đai theo yêu cầu của đề án.
Nguồn Tiền Phong Online