Các chuyên gia cho rằng, xảy ra bong bóng bất động sản (BĐS) là do có hiện tượng không phải mua nhà để ở mà mua để tích luỹ, đầu cơ, dẫn tới việc đẩy giá lên.
Vì thế, ngân hàng đã đặt vấn đề lĩnh vực BĐS là lĩnh vực rủi ro, khi cho vay phải xem xét rất thận trọng.
Bong bóng BĐS là hiện tượng giá trị BĐS bị thổi phồng quá mức so với giá trị thực. Việc thổi phồng giá trị này khiến nhiều người thiếu tỉnh táo đầu tư và cứ chờ giá cao hơn để kiếm lời. Tuy nhiên khi bong bóng đã “nổ” mọi khoản đầu tư vào bất động sản sẽ đứng im khiến dòng tiền chôn chặt một chỗ.
Nhiều người đã từng đặt câu hỏi và đổ lỗi việc bong bóng BĐS xảy ra liệu phải do nguồn tín dụng. Tuy nhiên Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận, xảy ra BĐS là do có hiện tượng mua nhà để tích luỹ, để đầu cơ, dẫn tới việc đẩy giá lên.
Khi nguồn tiền bị chôn chặt một chỗ thì tình trạng thiếu tiền mặt của cá nhân, doanh nghiệp là dễ nhận thấy. Tình trạng thanh khoản giảm, giao dịch trên thị trường nhà ở bị sụt giảm, thậm chí không có giao dịch nên không huy động được nguồn vốn của khách hàng. Chẳng những doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, kể cả người mua nhà, nhà đầu tư cũng khó tiếp cận tín dụng.
Trong báo cáo tổng kết thực hiện công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, thị trường vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, từ nguy cơ “bong bóng” chuyển sang nguy cơ “suy thoái”.
Ngoài ra, các vấn đề như thiếu nguồn cung ở các phân khúc vẫn tồn tại, cơ cấu hàng hóa BĐS chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ…
“Có hiện tượng các sàn giao dịch BĐS câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Giá BĐS tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực”, Bộ Xây dựng nêu loạt bất cập.
Trước vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại diện Bộ này cho biết trong năm 2023, Tổ công tác liên ngành sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xác định nhu cầu và triển khai cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; theo dõi tình hình thực hiện việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ tại các địa phương.
Thực tế nhiều chuyên gia trong lĩnh vực từng chỉ rõ tình trạng mất cân đối giữa nguồn cung – cầu trên thị trường BĐS chính là nguyên nhân khiến bong bóng có thể xảy ra. Khi nhu cầu mua nhiều nhưng nguồn cung không đủ khiến tình trạng “khan hàng” diễn ra. Đồng thời khiến tình trạng giá BĐS bị đẩy lên cao và thổi bùng giá trị của sản phẩm.
Không những thế, tình trạng thị trường xuất hiện nhiều môi giới, cò đất, nhà đầu tư thứ cấp cũng khiến giá BĐS tăng vọt.