Mua bán nhà đất bằng giấy viết tay diễn ra khá phổ biến vì nhiều lý do, một trong số đó là người dân không nắm được hết những rủi ro khi mua nhà đất bằng giấy viết tay.
Theo ông Nguyễn Nam, Trưởng Bộ phận Nhà phố 2 – Tập đoàn Nhà phố Việt Nam, nhiều người thường truyền tai nhau là tuyệt đối không nên giao dịch bằng giấy viết tay khi kinh doanh mua bán nhà đất. Vậy giấy viết tay là gì? Rủi ro khi giao dịch ra sao?
Giấy tờ viết tay là gì?
Giấy tờ nhà đất viết tay là cách gọi khác của hình thức mua bán do 2 bên tự lập, tự giao dịch, không lập hợp đồng công chứng mà chỉ tự viết, tự ký với nhau. Giao dịch này không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền và không đảm bảo tính pháp lý, vì chỉ dựa trên lòng tin giữa đôi bên.
Lý do nhiều người mua nhà đất giấy viết tay
Theo ông Nam, những căn nhà mua bằng giấy tay thường là để “né” thuế, loại hình nhà này có giá rẻ hơn hẳn so với thị trường. Những căn nhà này phần lớn là những căn nhà vướng quy hoạch, hoặc chưa chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, pháp lý không rõ ràng. Trường hợp nhà đất không lên được thổ cư hay nằm trong khu đất quy hoạch giải tỏa, người mua sẽ rơi vào cảnh mất tiền, không có tài sản.
“Vì ham rẻ, ngại làm thủ tục chuyển nhượng qua lại, rườm rà và muốn “né” các loại thuế phí, nhiều người đánh liều mua nhà đất bằng giấy viết tay, dù biết giao dịch này tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, Trưởng Bộ phận Nhà phố 2 – Tập đoàn Nhà phố Việt Nam, cũng có trường hợp người mua quá tin tưởng bên bán là bạn bè hoặc người quen, nên chủ quan rằng sẽ không xảy ra lừa đảo, tranh chấp. Lợi dụng tâm lý này, kẻ xấu sẽ dụ dỗ họ mua nhà đất mà không có hợp đồng công chứng, chỉ đơn thuần là thỏa thuận miệng và giấy tờ với những điều khoản sơ sài.
“Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. Khi giao dịch mua bán một tài sản có giá trị lớn như nhà đất, người mua phải cẩn trọng tuyệt đối dù đó là người thân quen hay xa lạ đều cần rạch ròi, minh bạch để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như hòa khí sau này”, ông cảnh báo.
Rủi ro khi mua nhà đất bằng giấy viết tay
Cụ thể, ông Nam chỉ ra 3 rủi ro phổ biến nhất khi mua nhà bằng giấy viết tay.
– Hợp đồng bằng giấy viết tay không được pháp luật công nhận: Điểm A khoản 3 điều 167 Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ: “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn đối với quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm B khoản này”. Điều đó có nghĩa hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực mới có hiệu lực, nếu chỉ bằng giấy tay sẽ không có giá trị pháp lý và quyền lợi của các bên, đặc biệt là người mua sẽ không được pháp luật bảo vệ.
– Khó xác minh được nguồn gốc nhà, đất do không có giấy chứng nhận quyền sở hữu: Do nhà đất thiếu giấy tờ pháp lý, đặc biệt là sổ đỏ hoặc sổ hồng nên người bán thường dùng mánh khóe, dụ người mua đặt cọc bằng giấy tay, sau này sẽ bổ sung trong quá trình thanh toán. Phía người mua, do chủ quan, tin tưởng người bán lại không muốn bỏ lỡ cơ hội mua bất động sản giá tốt nên vội vã xuống tiền mà không quan tâm đến mảnh đất đó còn mập mờ về hồ sơ pháp lý và không dễ xác định nguồn gốc sử dụng đất bởi thiếu các giấy tờ liên quan. Có nhiều trường hợp mua phải căn nhà có tranh chấp, có quyết định thu hồi hoặc giải tỏa.
– Bên bán lật lọng, bán cho người khác khi thấy được giá: Khi giao dịch bằng lòng tin, thỏa thuận giấy tay thay vì có sự xác nhận của cơ quan chức năng, quyền lợi của người mua sẽ không được đảm bảo trước pháp luật. Lợi dụng lòng tin và kẽ hở đó, bên bán có thể “lật mặt”, đổi ý không bán nữa hoặc bán cho người khác ngay khi được trả giá cao hơn. Người mua lúc này rơi vào cảnh mất tiền cọc mà không có tài sản. Kể cả khi bên bán hoàn lại tiền đã nhận, thì người mua cũng đã bị “chôn vốn” trong một thời gian dài.
“Từ việc phân tích những rủi ro khi mua nhà bằng hình thức giấy tay, có thể thấy việc thực hiện giao dịch này là mạo hiểm và không có giá trị pháp lý, do đó bên mua luôn là người phải chịu thiệt”, đại diện Tập đoàn Nhà phố Việt Nam đúc kết.