Hiện nay có rất nhiều cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất trông cây lâu năm lên đất thổ cư nhằm phục vụ cho mục đích xây dựng phát triển kinh tế.
Tuy nhiên điểm bất cập của phần lớn các trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất trên là đất không có đường đi, lối đi ra các khu đường lớn, đường công cộng. Vậy không có lối đi trên mảnh đất có lên thổ cư được không?
1. Hiểu thế nào là đất không có lối đi?
Phần đất không có đường đi hay còn gọi là đất không có lối đi là phần diện tích đất của người ở phía bên trong bị vây bọc xung quanh những bất động sản của chủ sở hữu khác mà không có đủ lối đi ra đường lớn. Đất không có đường đi cũng có thể được xác định là những thửa đất khi tra cứu trên bản đồ địa chính không thể hiện trên bản đồ phần đường đi vào.
Phần lối đi dẫn ra đường lớn được người dân sử dụng làm lối đi chung, tuy nhiên thực tế việc xác định diện tích để xây dựng lối đi chung không rõ ràng rất dễ phát sinh những tranh chấp.
Đất không có lối đi có đặc điểm là bị vây bọc xung quanh bởi các bất động sản khác. Vì vậy, người sống trong những mảnh đất đó sẽ không có lối đi ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống. Lối đi chính là phần diện tích làm đường giữa 2 hoặc nhiều nhà với nhau để tạo thuận cho cuộc sống sinh hoạt, đi lại của những người sống trong khu vực đó.
Căn cứ theo quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lối đi qua các khu vực bất động sản như sau:
– Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
– Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
– Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Không có lối đi trên mảnh đất có lên thổ cư được không?
– Trường hợp đất không có lối đi có vị trí nằm gần mặt đường giao thông hoặc lối đi chung khác:
Căn cứ theo quy định tại Điều 52 Luật Đất đai 2013 quy định về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
- Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Như vậy, pháp luật không quy định cụ thể về điều kiện để được chuyển mục đích sử dụng đất mà sẽ tùy vào thời điểm thực tế, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt mà cơ quan có thẩm quyền quyết định cho hoặc không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang thổ cư. Trường hợp đất không có đường đi không thuộc trường hợp không được chuyển mục đích sử dụng đất sang thổ cư. Đồng nghĩa, đất không có đường đi vẫn được lên thổ cư nếu đáp ứng các căn cứ nêu trên và có vị trí tiếp giáp gần mặt đường, lối đi chung khác.
– Trường hợp đất không có lối đi bị vây bọc bởi các bất động sản xung quanh:
Theo quy định tại Điều 245 Bộ luật dân sự 2015 thì chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định nêu trên mà không có đền bù.
Như vậy, trường hợp người dân nếu đang có đất muốn chuyển thành đất thổ cư mà không có đường đi thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ, sau khi có lối đi thì mới có thể tiến hành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thổ cư.
Căn cứ theo quy định tại Điều 57 Luật đất đai 2013 các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép cơ quan nhà nước bao gồm những trường hợp sau:
– Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
– Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
– Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
– Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
– Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
– Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
– Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
-Lưu ý: Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo các trường hợp trên thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.
3. Đất không có lối đi có được cấp sổ đỏ không?
Để xác định thửa đất không có lối đi vào có được cấp sổ đỏ không, ta cần xem xét đến việc thửa đất đó có đủ điều kiện được cấp sổ đỏ không và thửa đất đó có thuộc những trường hợp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không.
Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người sử dụng đất cần phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 99, 100, 101 và Điều 102 Luật đất đai năm 2013 như sau:
– Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 của Luật đất đai 2013
– Chủ sở hữu đất không có đường đi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày 01/07/2014
– Đất không có đường đi là là đất được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ;
– Chủ sở hữu đất không có đường đi được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;
– Người sở hữu đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với mảnh đất không có đường đi đó;
– Chủ sở hữu hữu đất không có đường đi đã mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất từ người khác;
– Đất không có đường đi là đất được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
– Chủ sở hữu đất không có đường đi tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có;
– Đất không có đường đi đi đã được cấp giấy chứng nhận rồi nhưng người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.
Như vậy, đất không có lối đi vẫn sẽ được cấp sổ đỏ nếu đáp ứng quy định về điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
4. Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư
Căn cứ theo quy định tại Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và hướng dẫn tại Quyết định 2555/QĐ-BTNMT, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
– Hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất gồm những giấy tờ chính sau:
+ Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bước 2. Nộp hồ sơ
– Nộp hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo Giấy chứng nhận đến Phòng tài nguyên và môi trường.
– Tiếp nhận hồ sơ: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Bước 3. Xử lý, giải quyết yêu cầu
– Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích.
– Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
– Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển mục đích.
– Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
– Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Bước 4. Trả kết quả
– Phòng Tài nguyên và Môi trường trao quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sau khi cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính.
– Thời gian thực hiện: Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; thời gian không tính các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
– Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày.
– Trường hợp, cơ quan Nhà nước chậm thực hiện thì người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện về hành vi chậm trễ.
Luật Minh Khuê
Nguồn TẠI ĐÂY