UBND tỉnh vừa mới ban hành quy định mới về tách thửa với đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Vấn đề được dư luận quan tâm là những điều kiện để tách thửa liệu có ngăn chặn được tình trạng “băm nhỏ” đất nông nghiệp ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Sau hơn 2 năm đi vào sử dụng, Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND về tách, hợp thửa đất của Đồng Nai đã không còn phù hợp. Do đó, sau khi lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND về tách, hợp thửa đất nhằm khắc phục những hạn chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về đất đai và siết lại việc tách nhỏ đất nông nghiệp. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-10-2022.
Ngăn chặn tách nhỏ đất đai
Quyết định 35 có một số điểm mới so với Quyết định 22 là sẽ tăng diện tích đất nông nghiệp tối thiểu được tách thửa ở nông thôn từ 1 ngàn m2 lên 2 ngàn m2. Điều này nhằm hạn chế được tình trạng “xé nhỏ” đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là mong muốn của các địa phương vùng nông thôn như: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu…
Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết: “Trong các năm 2020 và 2021, trên địa bàn H.Định Quán đã tiếp nhận gần 9,9 ngàn hồ sơ xin tách thửa đất tại các xã, thị trấn trong huyện. Sau khi căn cứ vào các quy định, huyện đã phải giải quyết tách thửa cho hơn 7,2 ngàn hồ sơ có diện tích gần 1,7 ngàn ha. Trong đó có nhiều trường hợp tách nhỏ đất nông nghiệp chỉ còn khoảng 1 ngàn m2 để chuyển nhượng kiếm lời, gây khó khăn rất lớn cho việc hình thành các vùng nông nghiệp sản xuất lớn”.
Do đó, theo ông Tài, nâng diện tích cho phép tách thửa đất nông nghiệp tối thiểu lên 2 ngàn m2 sẽ hạn chế tình trạng tách nhỏ đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng diện tích tối thiểu trong tách thửa đất nông nghiệp sẽ giúp cho các địa phương thuận lợi hơn trong công tác quản lý đất đai. Đồng thời, trong Quyết định 35 cũng khống chế được tình trạng nhiều người đồng sử dụng trên một thửa đất nhỏ.
Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (Sở TN-MT) Lưu Thị Mai Hương đánh giá: “Quy định mới về tách thửa được UBND tỉnh ban hành sẽ hạn chế tình trạng tách nhỏ đất nông nghiệp và đồng sử dụng. Vì thửa đất nông nghiệp sau khi tách thửa phải tiếp giáp với đường giao thông hoặc đảm bảo lối đi cần thiết cho người phía trong. Người dân đồng sử dụng thửa đất thì phải đảm bảo chia được theo phần của từng thành viên trong nhóm bằng diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất quy định”.
Theo đó, từ ngày 1-10-2022, người đồng sử dụng đất nông nghiệp phải đáp ứng được quy định mỗi người có tối thiểu 2 ngàn m2 với khu vực nông thôn và 500m2 với đất nông nghiệp đô thị. Quy định này sẽ ngăn chặn được tình trạng mượn đồng sử dụng để biến tướng thành phân lô, bán nền đất nông nghiệp.
Địa phương phải quản lý chặt
Đồng Nai là đầu mối giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên đất đai được rất nhiều doanh nghiệp chú ý. Nhiều nhà đầu cơ đã lợi dụng việc này, mua bán đất nông nghiệp, tách thành nhiều thửa nhỏ để sang nhượng lại kiếm lời. Nhiều người lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật chuyển nhượng cho nhiều người cùng đồng sử dụng trên diện tích đất nông nghiệp rất nhỏ chỉ từ 60-100m2/người. Sau đó, nếu UBND các xã, phường lơ là trong quản lý các thửa đất trên sẽ phát sinh tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và lâu dần sẽ hình thành khu dân cư tự phát.
Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lê Ngọc Tiên cho rằng, trước đây các địa phương thấy tình trạng tách thửa, đồng sử dụng nhiều là biến tướng của phân lô, bán nền đất nông nghiệp, rất dễ dẫn đến xây dựng trái phép nhưng không ngăn chặn được, vì luật cho phép tách thửa và không hạn chế số lượng người đồng sử dụng. Do đó, huyện chỉ yêu cầu các xã, thị trấn phải quản lý chặt đất đai, nếu để xảy ra vi phạm thì chủ tịch các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm.
Qua tìm hiểu thực tế, có thể thấy, xã, phường, thị trấn nào siết chặt quản lý về đất đai sẽ giảm bớt được tình trạng tách thửa, đồng sử dụng và xây dựng trái phép.
Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Hoàng Sơn chia sẻ: “Dù là nơi đang “nóng” về đất đai nhưng việc tách thửa đất nông nghiệp, đồng sử dụng một thửa đất ở huyện không nhiều. Kết quả trên là do huyện yêu cầu các xã, thị trấn theo dõi kỹ các trường hợp tách thửa, đồng sử dụng, nếu phát sinh xây dựng trái phép thì xử lý ngay. Người dân thấy mua đất nông nghiệp đồng sử dụng không xây dựng được nhà ở nên hạn chế mua, việc tách thửa đất cũng giảm”.
Cũng theo ông Sơn, quy định mới về tách thửa đất nông nghiệp sẽ giúp cho địa phương quản lý đất đai bớt khó khăn. Bên cạnh đó, khi địa phương quy hoạch các dự án để phát triển kinh tế – xã hội sẽ bớt khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thu hồi đất.
Với những trường hợp UBND cấp huyện đã cho phép tách thửa bằng văn bản quy định tại Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND và Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh về tách thửa thì tiếp tục giải quyết hồ sơ theo văn bản đã chấp thuận.