Việc người dân sửa chữa nhà mà không xin phép thì bị xử phạt từ 60 – 80 triệu đồng, nhưng có thể không bị buộc tháo dỡ nếu đáp ứng đủ 6 điều kiện.
Cách đây hơn 5 năm, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên tôi đành liều mua lại một căn nhà khá nhỏ với tổng diện tích 30 m2 trị giá 500 triệu đồng ở Tp. HCM bằng giấy tay. Do diện tích quá chật, nên tôi đã sửa chữa nhà và xây thêm tầng lửng để làm chỗ ngủ.
Biết khu vực tôi sinh sống đang bị quy hoạch nên tôi không xin phép khi sửa nhà. Một vài căn nhà cùng chung hẻm, họ cũng tự sửa và xây thêm một lầu, cao hơn so với cấu trúc ban đầu.
Tôi đọc báo thấy nhiều căn nhà đã bị chính quyền cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ do người dân xây “lụi”. Gia đình chúng tôi và hàng xóm cũng khá lo lắng về trường hợp của mình.
Theo quy định pháp luật, đối với nhà ở thuộc khu quy hoạch khi sửa chữa, xây tăng thêm tầng lửng, có vi phạm pháp luật không? Nếu không muốn bị xử lý thì lẽ ra ngay từ đầu tôi nên làm gì? Nhà tôi có đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ không? Tôi cần phải làm gì nếu muốn giữ lại căn nhà?
Bạn đọc Tấn Khoa.
Luật sư tư vấn
Luật sư Hoàng Kim Minh Châu (Giám đốc Công ty luật TNHH CBM & cộng sự) tư vấn, theo điều 89 Luật Xây dựng, thì công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng, trừ các trường hợp được miễn theo quy định.
Theo khoản 5 điều 94 luật Xây dựng, bạn đang ở tại khu vực mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy, khu đất nhà bạn sẽ không được cấp giấy phép xây dựng mới, nhưng sẽ được cấp phép sửa chữa, cải tạo nhà ở. Sau khi được cấp giấy phép này, bạn sẽ tiến hành sửa chữa nhà theo đúng hồ sơ, bản vẽ đã nộp.
Khi nhà nước tiến hành sử dụng đất theo quy hoạch thì bạn không được bồi thường khi có giải tỏa, mọi hoạt động, chi phí liên quan giải tỏa bạn tự chịu. Ngoài ra, sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất, mà chưa có quyết định thu hồi đất để sử dụng đúng mục đích đã được công bố, thì sẽ được xem xét cấp phép xây dựng.
Đối với trường hợp cụ thể của bạn, mọi việc xem như “đã rồi”. Bạn mua nhà giấy tay tức là việc chuyển quyền sử dụng từ chủ cũ qua bạn chưa trọn vẹn, chưa được pháp luật công nhận về hình thức.
Cụ thể, theo điều 122 luật Nhà ở, quy định việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng, chứng thực, sau đó làm thủ tục đăng bộ sang tên chính chủ. Việc bạn tiếp tục cơi nới nhà mà không xin phép thì có thể bị xử phạt từ 60 – 80 triệu đồng (khoản 7 điều 16 Nghị định 16 năm 2022).
Tuy nhiên, theo điều 84, Nghị định số 16 năm 2022, nếu căn nhà của bạn đáp đủ 6 điều kiện sau đây thì có thể sẽ không bị buộc tháo dỡ:
- Thứ nhất, hành vi sửa chữa, cải tạo xảy ra từ ngày 4.1.2008 và đã kết thúc trước ngày 15.1.2018 nhưng sau ngày 15.1.2018 mới được người có thẩm quyền phát hiện, hoặc đã được phát hiện trước ngày 15.1.2018 và đã có một trong các văn bản sau đây: biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
- Thứ hai, không vi phạm chỉ giới xây dựng.
- Thứ ba, không ảnh hưởng các công trình lân cận.
- Thứ tư, không có tranh chấp.
- Thứ năm, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp (bạn cần sự phối hợp với chủ nhà cũ, họ là người đứng ra làm việc, giải trình và nộp các hồ sơ).
- Thứ sáu, nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, trách nhiệm của công dân là phải chấp hành quy định pháp luật khi sửa chữa nhà. Khi sự việc vi phạm đã xảy ra, bạn cần tuân thủ đầy đủ các chỉ dẫn của cơ quan nhà nước để khắc phục vi phạm.
Theo Báo Thanh Niên