Theo chuyên gia, việc nghiêm cấm hành vi “Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai” của Luật Đất đai 2024 là điều hết sức cần thiết, được người dân đồng tình, ủng hộ (trong đó có lực lượng yếu thế là phụ nữ).
11 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai
Theo Điều 11 Luật Đất đai 2024, có 11 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai ( bất động sản nói chung) bao gồm: Lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất. Vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về đất đai. Vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai. Không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác, không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật. Không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Cản trở, gây khó khăn đối với việc sử dụng đất, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Và đặc biệt là nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai. Đây là một trong những điểm mới so với Luật Đất đai 2013.
Phụ nữ được đảm bảo quyền lợi trong quản lý, sử dụng đất đai
Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội) cho biết, Luật Đất đai 2024 có nhiều thay đổi tích cực về mọi mặt. Đáng chú ý là trong 11 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai được quy định tại Điều 11, thì có việc nghiêm cấm “Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai”. Có thể nói, đây là quy định được rất được người dân đồng tình, ủng hộ.
Theo quy định tại Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 thì “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.
Hiện nay trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, y tế, giáo dục, việc làm… chúng ta đã thực hiện mạnh mẽ công tác bình đẳng giới, giúp cả hai giới nam và nữ đều có cơ hội ngang bằng nhau về vị thế, đóng góp và thụ hưởng các thành quả, cơ hội.
Cũng theo ông Đồng, trong lĩnh vực đất đai việc quản lý, sử dụng lâu nay chưa thực sự chú trọng vấn đề lồng ghép giới, nên dẫn tới còn tình trạng phân biệt đối xử.
Có thể kể đến một thời gian dài chúng ta cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đứng tên một người, mặc dù đó là tài sản chung vợ chồng. Phân biệt giới tính trong việc chỉ để lại quyền sử dụng đất cho con trai, mà con gái không được hưởng. Con gái đi lấy chồng không được chia quyền sử dụng đất. Hay việc phân chia di sản thừa kế liên quan đến di sản là đất đai cũng không ngang bằng nhau giữa con trai và con gái…Đây là những hành vi vẫn còn tồn tại trong thực tế dẫn đến bất bình đẳng giới trong sử dụng, quản lý đất đai.
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Luật Đất đai 2024 đã hướng tới lồng ghép vấn đề giới, qua đó góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, giúp cả hai giới tiếp cận tốt hơn với các chính sách đất đai của Nhà nước. Nếu cần thiết thì quy định này cần có hướng dẫn chi tiết để thi hành và xử lý vi phạm thực tế.
Theo Gia đình & Xã hội