Được ‘cò’ dắt đi xem đất nền được phân rõ từng lô, hạ tầng ổn nên chị bạn tôi yên tâm xuống tiền.
Tối qua một người quen của tôi mới kể lại câu chuyện năm 2022 chị ấy bị “cò” lừa bán dự án, nhưng sau thời gian dài, dự án không có, mà công ty môi giới cũng “bốc hơi”.
Chị bạn tôi tiết kiệm được một khoản tiền nhưng không muốn gửi ngân hàng mà muốn mua đất để đầu tư. Chị đã liên hệ với một công ty môi giới bất động sản, rồi được đưa đến dự án xem đất, thấy đất nền được phân rõ ràng từng lô, hạ tầng cũng ổn định nên quyết định trả đủ số tiền giá trị đất và làm giấy tờ mua bán.
Tới thời điểm mà doanh nghiệp cam kết giao sổ đỏ, mãi không thấy phía công ty cấp, nên chị tìm qua công ty thì công ty này đã đóng cửa. Lúc này, chị bạn tôi mới ngã ngửa ra là mình bị lừa, chị đã gặp phải doanh nghiệp ma, không có dự án, đưa khách hàng đi xem dự án không phải của họ.
Chị bạn tôi không phải là trường hợp duy nhất bị lừa, trong thực tế thời gian qua có rất nhiều người dân cũng bị các công ty môi giới bất động sản lừa mất tiền mà không có đất, không có nhà.
Nhiều người lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hành vi vẽ ra các dự án bất động sản rồi quảng cáo rầm rộ để bán trái pháp luật, thu lợi bất chính đã bị khởi tố, bắt giữ. Thủ đoạn của của họ tự “vẽ” các dự án bất động sản khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, chưa triển khai xây dựng… Sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng và gom tiền của khách hàng.
Khách hàng không am hiểu pháp luật, không có kinh nghiệm, quá tin lời nhân viên môi giới và bị mờ mắt trước những chiêu trò cam kết lợi nhuận khủng dẫn đến nguy cơ sập bẫy lừa của các đối tượng.
Bên cạnh đó, nhiều người đầu tư bất động sản xuất phát từ tâm lý muốn làm giàu nhanh đã vội mua đất mà không lường trước được rủi ro. Trong khi đó, để có thể đầu tư bất động sản hiệu quả, người mua cần trang bị kiến thức, tìm hiểu kỹ càng. Vậy, khách hàng cần phải làm thế nào để hạn chế tối đa rủi ro cho bản thân khi giao dịch bất động sản?
Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi thì cần lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất, khách hàng cần đọc kỹ các văn bản luật liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản, hợp đồng mua bán đất đai như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Đầu tư để biết nội dung, hình thức, hiệu lực của hợp đồng mua bán đất đai, nghĩa vụ của chủ đầu tư được quy định như thế nào.
Ví dụ, nội dung của hợp đồng mua bán đất đai được quy định tại Điều 501, Bộ luật Dân sự năm 2015. Hình thức của hợp đồng mua bán đất đai được quy định tại Điều 502, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 167, Luật Đất đai năm 2013. Hiệu lực của hợp đồng được quy định tại khoản 3, Điều 188, Luật Đất đai năm 2013. Ngoài hai văn bản luật nêu trên, chúng ta còn phải đọc Luật Kinh doanh bất động sản để biết được nội dung về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai được quy định tại khoản 1, Điều 56, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
Thứ hai, chọn công ty, sàn giao dịch bất động sản uy tín để giao dịch. Công ty môi giới bất động sản trên thị trường có rất nhiều nhưng nếu không tìm hiểu kỹ, khách hàng sẽ dễ gặp phải công ty ma. Khách hàng nên tìm hiểu xem công ty đó có nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng hay không? Công ty đó làm việc có chuyên nghiệp hay không? Tìm hiểu những sản phẩm phân phối và các đối tác của công ty đó có đủ tin cậy hay không?
Thứ ba, chọn nhân viên môi giới bất động sản là nhân sự thuộc đơn vị, sàn giao dịch bất động sản có đăng ký doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh bất động sản uy tín, chuyên nghiệp được pháp luật công nhận và hồ sơ pháp lý rõ ràng. Những nhân viên này chịu sự quản lý của công ty, sàn giao dịch và được đào tạo bài bản về kỹ năng và nguyên tắc hành nghề, có trình độ cao, chuyên nghiệp,… đảm bảo độ tin cậy cao, hạn chế tối đa mức độ lừa gạt khách hàng.
Thứ tư, cần tìm hiểu kỹ các vấn đề pháp lý của dự án, yêu cầu chủ đầu tư hay nhân viên môi giới bất động sản đưa ra những loại giấy tờ cần thiết liên quan đến dự án như quyết định giao đất, quyết định phê duyệt quy hoạch bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy phép của chủ đầu tư, nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư trước khi bán ra thị trường để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra. Khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp toàn bộ thông tin về dự án một cách chính xác và đầy đủ. Đồng thời, nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký, rà soát từng điều khoản trước khi đặt bút ký hợp đồng.
Thứ năm, khi khách hàng đi mua căn hộ chung cư, tài sản hình thành trong tương lai, cần tìm chủ đầu tư dự án bất động sản đã được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng.
Khách hàng nên biết, lợi ích khi mua nhà ở hình thành trong tương lai có đầy đủ chứng thư bảo lãnh được quy định tại khoản 3, Điều 56, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 là: “3. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.”
Thứ sáu, kiểm chứng thông tin của dự án đất mình định mua. Khách hàng phải đến thực địa vị trí đất mình định mua để xem kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt đã được hoàn thành hay chưa; đến Văn phòng đăng ký đất đai để biết chắc là thửa đất mình mua không bị thế chấp, kê biên hoặc tranh chấp hay không.
Hãy là những khách hàng thông thái và cẩn trọng trong các giao dịch để không sập bẫy lừa của các đối tượng.
Theo VnExpress
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm :
Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, CafeL.xyz không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. CafeL.xyz chỉ cung cấp thông tin này như một kênh tham khảo thêm dành cho các độc giả!