Ngày còn bé, đôi tay ta non nớt tô màu, nét nguệch ngoạc chạy khỏi hình vẽ khiến bản thân cảm thấy hụt hẫng. Mỗi lỗi sai đều đem lại thứ trải nghiệm kì quặc, in hằn dấu ấn khó phai trên não bộ. Khi trưởng thành, chúng ta hiểu rằng hiện thực và mong đợi bao giờ cũng sai lệch, nhưng sự sai lệch ấy không hẳn chỉ toàn là nỗi thất vọng.
Bên trong vòng an toàn
Có những lựa chọn thường nằm trong dự tính của chúng ta. Như kiểu, tối nay muốn ăn ngoài hàng hay ở nhà nấu, ta thử tung một đồng xu để quyết định số phận. Hai mặt như nhau nên cơ hội sẽ chia đều 50-50, không phải là điều gì khó đoán. Ấy nhưng, khi đứng giữa 6 lựa chọn thì câu chuyện lại đi theo hướng khác. Hình dung sẽ không còn đồng xu mà thay thế bằng quân xúc xắc sáu mặt, khiến chúng ta khó dự đoán hơn rất nhiều. Cơ hội chiến thắng theo đúng ý mình giảm xuống chỉ còn 1/6, so với 1/2 trước đây.
Từ đồng xu thành xúc xắc, sự lựa chọn tăng lên, tức là “độ hỗn loạn” (entropy) của những lựa chọn cũng tăng, hoặc sẽ được giữ ở một mức nhất định, chứ không bao giờ giảm xuống. Đồng nghĩa với khả năng sai số sẽ xuất hiện, cùng với “tệp đính kèm” là sự hoài nghi và không chắc chắn. Chúng ta luôn nghĩ những khái niệm kiểu vô định, sai số, khác biệt hay bất ngờ giống 4 thực thể khác nhau, tuy nhiên toán học coi chúng tựa 4 anh chị em trong một gia đình. Tức là, tồn tại sự ràng buộc nhất định.
Trong “Vẻ đẹp của sai số”, nhà khoa học Leyla miêu tả trí tuệ loài người luôn để hai yếu tố hoài nghi và xác suất song hành với nhau. Chúng ta đưa ra xác suất để chuyện A xảy ra, thì cũng phải hình dung trước về những biến cố khác A1 hay A2 để khỏa lấp cảm giác bất ngờ cuối cùng. Độ vênh kiểu này, tạo thành sai số giữa thực tế và mong đợi, mở đầu những chuỗi cảm xúc phức tạp ở con người mà nổi bật nhất chính là sự kinh ngạc. Hệt như triết học từng răn dạy loài người về những biến động trong cuộc đời, càng hoài nghi về cái kết thì càng dễ choáng ngợp.
Nhà khoa học thần kinh David Chalmers từng hỏi: khi chúng ta ngước nhìn bầu trời, và bất chợt có trái bóng tennis từ đâu bay đến, chúng ta sẽ làm gì? Sự mới mẻ tạo nên những gợn sóng trên não, thu hình ảnh từ thị giác để xử lý trước khi “trung tâm chỉ huy” ra dấu cho hệ cơ phản xạ né, khỏi trúng đầu. David Chalmers gọi đây là “dấu ấn tri thức”, khởi nguồn cho bộ sưu tập “dấu ấn trải nghiệm” tạo nên từng trang trong cuộc đời mỗi người. Bên trong kho tàng này, chúng ta đều muốn hạn chế lỗi sai đến mức tối thiểu, tham vọng xóa bỏ hoàn toàn cảm giác bất an cũng như muốn bản thân ở trong vòng an toàn thay vì đối diện hàng tá bất ngờ.
Nhiều giả thuyết miêu tả não người giống cỗ máy thời gian của mèo máy Doraemon. Hiểu nôm na thì não dự đoán trước tương lai, hoặc quay lại từng giây phút quá khứ như phim tua chậm trong trí tưởng tượng, hệt cách nhóm bạn chui vào ngăn kéo và điều khiển cổ máy đến một thời điểm tuỳ chọn. Phỏng đoán liên tục xuất hiện, với tần suất sai số tăng lên theo thời gian, là cơ hội để ta vượt qua sự đình trệ của giác quan hay cơ chế vận động. Vốn dĩ chúng sẽ chẳng làm gì nếu não không đưa ra phỏng đoán đặt cơ thể vào trạng thái “sẵn sàng”.
Thí nghiệm nổi tiếng Phanh xe gấp cho thấy chúng ta không hề thích sự bất ngờ, trừ vài người ưa mạo hiểm. Leyla tin rằng ngay trước khi lăn bánh, não đã vẽ lên vô số viễn cảnh, trong đó có chuyện một thứ gì đó đột ngột xuất hiện trước mũi xe, đồng thời cân đo đong đếm các giải pháp ổn nhất như thể đang gieo một quân xúc xắc sáu mặt vậy. Ngoài đời thực, chúng ta cũng sẽ dè chừng, cẩn trọng và tính toán cách lái xe để cho an toàn nhất. Tất nhiên, thực tế sẽ quyết định não học được cái gì, khi não tính toán mọi sai số so với dự đoán trước đó, rồi cập nhật kho dữ liệu “dấu ấn trải nghiệm” với hi vọng sẽ đưa ra các dự đoán chuẩn xác với sai số cận 0 trong tương lai.
Nhắc đến cận 0, David Chalmers khẳng định: mọi suy nghĩ của chúng ta thực chất đang hướng đến mục đích biến cái bất ngờ thành thứ nằm trong tầm kiểm soát. Triết học duy vật cho rằng não bộ là một dạng vật chất sống đặc biệt, có tổ chức cao, trải qua quá trình tiến hóa lâu dài về mặt sinh vật và xã hội. Não bộ giống như một cái van giảm áp hay máy lọc (và bộ hạn chế), từ lúc sự sống hình thành đến nay luôn giữ vai trò giảm thiểu lỗi sai trong đời sống, tạo nên một không gian an toàn để sự sống được duy trì.
Đánh cược với sai số
Thử tưởng tượng mỗi ngày não đều nhắc ta rằng: hãy cứ ngồi yên trong căn phòng quen thuộc để sống cho thoải mái. Lý tưởng kiểu ấy có vẻ không ổn chút nào, khi loài người luôn hướng đến sự thay đổi, mạo hiểm rời căn phòng đó để phạm sai lầm. Lý thuyết Cái hang của Plato cũng vậy, loài người là bầy tù nhân bị trói chặt trongmột hang động, quay mặt vào vách đá ở đáy động, thèm khát được ra bên ngoài khám phá thế giới giàu ý tưởng tuyệt đẹp và bất biến của chân, thiện, mỹ.
Thế nên, một cách tích cực thì Leyla vẫn cho rằng sai số tạo nên động lực phát triển, xây dựng “lâu đài” cá tính bền vững cho mỗi cá thể sống. Vài người nhảy việc cả chục lần, cắt dăm ba kiểu tóc, thử nghiệm một hai công thức nấu ăn độc đáo để chọn thứ hợp nhất. Có những người liều lĩnh, ưa mạo hiểm như leo núi hay lang thang đây đó để đón nhận bất ngờ không có sẵn trên não họ.
Thực ra, chúng ta không chỉ hạn chế lỗi sai mà còn tự mình đi tìm những sai số. Những đứa trẻ được sinh ra, mang trong mình tư tưởng khám phá thế giới bằng bản năng tò mò gắn chặt trên từng neuron thần kinh. Não bộ khi ấy hoạt động như máy ảnh, chụp hình thế giới, suy luận về vật chất bằng trải nghiệm ít ỏi tích lũy thông qua giác quan. Chúng cố ý thử nghiệm mọi vật bằng cách cầm nắm trong vô thức, lắng nghe cảnh báo từ cha mẹ về hiểm nguy và nhận ra thứ gì an toàn. Rõ ràng, chúng ta thuở thơ ấu chưa thể tự tung đồng xu hay xúc xắc, mà buộc phải tự nghiệm về sai số cho đến khi trưởng thành.
Trong cuộc sống, bất ngờ nhiều khi đem lại thành công. Chúng ta lúc mở nhà hàng thường chọn lối an toàn là theo xu thế thực khách, mà quên mất các đối thủ cũng sẽ đi theo tư duy tương tự. Nhà hàng Noma ở Đan Mạch lại khác, “nổi danh như cồn” vì phục vụ đặc sản rong rêu địa phương. “Bá chủ” món độc lạ giúp Noma bốn lần đạt danh hiệu nhà hàng ngon nhất thế giới. Chẳng có loại máy nào dự đoán nổi kết quả này, mà là cái giá của sự thử nghiệm, chấp nhận sai số, quảng bá sự sáng tạo cùng không ngừng thay đổi để bất ngờ chiếm trọn trái tim của thực khách.
Thế mới thấy, sai sót không hẳn đem tới tiêu cực. Nhà văn người Nga Fyodor Dostoyesvky, cách đây hơn 100 năm, từng viết: cho dù con người có thật là một phím dương cầm chăng nữa, cho dù khoa học tự nhiên và toán học đã chứng minh như vậy đi chăng nữa, họ vẫn sẽ cố tình “vượt rào” để thử-sai. Và trong trường hợp không tìm được phương tiện, họ sẽ lao mình vào phá phách, vào hỗn mang, vào ngờ vực và hiểm nguy, cốt để chứng tỏ họ luôn đúng.
Vạn vật xung quanh đều có vẻ đẹp riêng, và sai số cũng vậy. Loài người học cách “hồi sinh” trải nghiệm thị giác nhờ nghệ thuật, gắn từng giá trị cuộc sống vào mỗi hình ảnh. Trường phái hội họa ấn tượng ra đời, xóa tan mọi ranh giới, mở ra cơ hội thử nghiệm cho những người cầm cọ, vẽ nên vẻ đẹp hoàn toàn khác lạ. Sai số đem lại lợi ích, như kiểu đột biến gen không thể dự đoán trước, vật chất di truyền thay đổi chi phối tóc màu đỏ, tạo nên tính đa dạng về tóc ở loài người. Khoa học coi đó là điều thú vị, đáng để nghiên cứu, bởi vì “độ hỗn loạn”, sự hoài nghi cùng vô số khả năng thay đổi gia tăng sức mạnh của cả một hệ thống, coi một cuộc sống an toàn lại rất nhàm chán.
“Thay vì tung đồng xu hai mặt, hãy thử quay xúc xắc sáu lựa chọn trên mặt bàn”, Leyla nói với sinh viên đang ngồi trong giảng đường. Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, thì hãy thử dành khoảng trống cho những điều… từ trên trời rơi xuống, để tận hưởng trọn vẹn thế giới cảm xúc độc đáo, từ bí ẩn, cười vui cho đến băn khoăn, kinh ngạc và sợ hãi. Chúng ta, dù chỉ có 1/6 cơ hội chiến thắng, mạo hiểm với “độ hỗn loạn” trong mỗi quyết định như lúc ta quẹt phải để “thích” ai đó trên Tinder dù họ không đúng gu. Đánh cược với vận may, với sai số, biết đâu đó chúng ta sẽ thành công, miễn là giữ vững hy vọng và niềm tin…
Theo CAND