Dù giá bất động sản có giảm 50% thì người nghèo cũng chẳng mua nổi nhà, nên tôi làm việc quên ngày tháng thay vì ngồi than giá đất cao.
Thời gian gần đây, tôi thấy rất nhiều bài viết nói về câu chuyện bất động sản giảm giá. Có rất nhiều lượt bình luận đại ý là mong cho nhà đất sẽ giảm giá mạnh về giá trị thật, để đại đa số người dân ai cũng có thể mua được nhà. Nhiều bình luận khác lại chê bai, trách móc thậm tệ nghề cò đất, môi giới bất động sản vì góp phần thổi giá nhà đất, làm bất động sản tăng giá ảo…
Nghe qua những suy nghĩ như vậy, tôi cũng thấy có chút buồn và chạnh lòng. Nghề môi giới bất động sản là một nghề được nhà nước công nhận, có tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề. Môi giới là ngành dịch vụ như bao ngành nghề khác, mang công sức của mình xúc tiến, tạo ra giá trị cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Bất kỳ ngành nghề nào cũng có người tốt, người có tâm và có cả người xấu. Người có tâm cơ xấu dần dần sẽ bị xã hội đào thải, người có tâm cơ tốt sẽ ngày càng phát triển. Và thời gian sẽ trả lời cho tất cả.
Chủ đề về bất động sản ở nước ta chưa bao giờ hết nóng. Khi thị trường đi lên, đi đâu tôi cũng nghe người ta nói về bất động sản tăng giá chốt lời. Khi thị trường đi xuống, tôi lại thấy người ta bàn về đà giảm giá… Trong giai đoạn này, thị trường nhà đất đang đi xuống, trầm lắng, giảm giá, nhưng câu hỏi là liệu rằng người nghèo có thể đủ sức mua được bất động sản hay không?
Đây được xem như thắc mắc muôn thuở của người Việt, nên luôn được bàn luận rất sôi nôi và chưa có hồi kết. Tôi xin mạn phép, phân tích theo cách nhìn chủ quan của bản thân mình về vấn đề này như sau:
- Thứ nhất, giả sử bất động sản có giảm giá đến tận 50% thì tôi tin giá trị của nhà đất vẫn là tiền tỷ, hoặc ít nhất là hàng trăm triệu đồng. Vậy liệu người nghèo có thể có được số tiền đó để mua nhà đất không? Nếu như người nghèo thật sự có số tiền trăm triệu đồng, tiền tỷ thì có lẽ họ không còn nghèo nữa, thậm chí đã là người giàu rồi.
- Thứ hai, cơ chế nhà nước đang siết chặt tín dụng bất động sản, thị trường khó khăn, lãi suất tăng rất cao. Vì thế, người giàu hiện tại tiếp cận được nguồn vốn vây đã rất khó, người nghèo lại càng không thể tiếp cận được nguồn vốn này, vì họ không chứng minh được thu nhập, tài sản đảm bảo, phương án trả nợ…
- Thứ ba, giả sử bất động sản có giảm giá mạnh thật thì người giàu có kiến thức, có kỹ năng, có tầm nhìn và quan trọng hơn hết là có sẵn tiền vẫn luôn mua được nhà đất trước tiên. Thế nên, dù bất động sản có giảm giá thì liệu có kịp đến được tay người nghèo? Thị trường càng khắc nghiệt thì người nghèo càng là tầng lớp bị ảnh hưởng đầu tiên, lạm phát tăng nhưng lương không tăng… Lúc đó, người nghèo đang quay cuồng chuyện “cơm áo gạo tiền” thì đầu đâu mà nghĩ đến bất động sản.
Lúc bất động sản đã giảm giá, thì người nghèo còn bận suy nghĩ: Liệu đất còn giảm nữa không? Có nên gồng thêm để mua lúc này? Tiền đâu mà mua…? Đến lúc người nghèo suy nghĩ xong và thì bất động sản đó đã qua tay mấy người giàu rồi.
Không riêng ở Việt Nam, ngay cả ở những nước đã và đang phát triển, có một sự thật không thể phủ nhận rằng thời nào đi chăng nữa thì bất động sản tuyệt nhiên cũng không phải là kênh đầu tư dành cho người nghèo. Tôi không cổ súy người đầu tư bất động sản, cũng như không chê bai người nghèo vì tôi nghĩ rằng ai cũng có thể từ nghèo trở nên giàu và ngược lại (tôi cũng từ tầng lớp nghèo nhất trong xã hội đi lên). Nhưng thực sự cuộc chơi nhà đất không bao giờ dễ dàng với những người ít tiền.
Ba tôi mất khi tôi chưa kịp tốt nghiệp Cao đẳng. Nói thêm là ông cố tôi làm nghề nhặt ve chai, ông nội tôi làm nghề đạp xích lô, ba tôi chạy xe ba gác chở hàng thuê, nên nhà tôi ba đời nghèo khó. Ba tôi mất vì không có đủ tiền đóng tạm ứng viện phí, gia đình phải xin về. Từ đó, tôi tự thề với lòng rằng nhất định không thể nghèo nữa. Tôi không muốn sau này mình cũng như ba – mất vì không có tiền chữa bệnh.
Ba tôi chạy xe ba gác, nuôi năm miệng ăn. Đến lúc tuổi già bệnh không làm được nữa, vì nhà rất nghèo nên ba mẹ tôi dành tất cả cho ba anh chị em tôi được ăn học đàng hoàng. Vừa ra trường, tôi đi làm ngay để có tiền phụ giúp gia đình. Chị tôi ra trường đi làm lo cho tôi đi học, tôi ra trường đi làm lo cho em phía sau. Cứ thế, chúng tôi làm việc không biết mệt mỏi.
Mỗi ngày, tôi làm việc từ 12 đến 16 tiếng liên tục. Tôi quan niệm, người ta làm 100% sức lực thì tôi phải làm 200-300% vì là người mới. Chỉ có làm như vậy tôi mới có thể đuổi kịp họ. Người ta làm được thì tôi sẽ làm được và tôi sẽ làm giỏi hơn, hoàn hảo hơn. Đúng bảy giờ sáng tôi đi làm và trở về nhà vào 10 giờ tối, không nghỉ thứ bảy, chủ nhật, không có ngày lễ. Nhà tôi rất xa chỗ làm, nên mỗi ngày tôi phải đi 17 km từ nhà đến công ty. Về đến nhà, tôi chỉ ăn vội bát cơm, tắm rửa, giặt đồ, rồi đi ngủ để sáng mai tiếp tục hành trình.
Tôi sống cuộc đời đó ba năm, chỉ biết đi làm và tích lũy. Tôi ngộ ra rằng, nghèo khó là do thói quen, do suy nghĩ “mình là người nghèo”, do không có kiến thức, không có người thầy… Còn công thức để giàu có là: phải suy nghĩ, tưởng tượng mình là người giàu trước, người giàu có mục tiêu của cuộc đời, người giàu làm 10, ăn 9, tích lũy 1 và dần dần tiến về tích lũy 9 để tái đầu tư và trở nên giàu có…
Bản thân tôi, do khoảng cách giữa nơi làm việc và nhà đang ở quá xa, mỗi ngày vừa đi vừa về hết gần 34 cây số. Tôi chỉ mong muốn làm sao sở hữu một ngôi nhà ở gần nơi làm việc để tiện đi làm. Rồi tôi đặt miệu tiêu của cuộc đời bằng mọi giá phải có nhà. Thời điểm năm 2010, một căn nhà trung tâm Quận 10, ở trong hẻm lớn, chưa có kết cấu, diện tích 50m2, có giá vào khoảng trên dưới 4 tỷ đồng. Tôi đặt mục tiêu, sau 5 năm làm việc phải mua được căn nhà đó.
Tôi làm không biết mệt mỏi, không kể ngày đêm. Đúng nghĩa đen là bán mạng kiếm tiền. Và rồi, mãi đến tận năm thứ sáu đi làm, tôi mới mua được căn nhà đầu tiên. Đến năm 2016, giai đoạn đó nhà đất “sốt”, giá tăng giá liên tục. May mắn, tôi mua được một căn nhà diện tích 33 m2. Tôi nhớ như in lúc dẫn bạn gái (sau này là vợ tôi) đến xem nhà, cô ấy còn không dám bước vào vì sợ nhà sập. Còn mẹ, chị, em tôi khuyên đừng mua vì nhà quá nát, và giá quá đắt theo suy nghĩ của họ.
Tôi đã xem hàng trăm căn nhà xung quanh, nhưng vì nhà này vị trí tốt nhất, giá mềm nhất nên tôi quyết mua, tôi nghĩ mua được là có nhà, ai bàn ra tán vào mặc kệ. Mua được một thời gian, không có tiền xây dựng, cũng không ở được vì nhà đã quá nát. Cuối năm đó, thấy nhà vẫn để không, một bạn môi giới hỏi tôi có bán không? Tôi đồng ý với một điều kiện duy nhất là phải lời ít nhất một tỷ đồng, bán được hơn thì cho môi giới hết. Không ngờ, sau đó, có người mua nhà thật. Thậm chí, giá bán còn hơn mức tôi mong đợi tới 250 triệu đồng. Tôi vui vẻ tặng người môi giới đúng số tiền đó vì bạn đã mang cơ hội này đến với tôi.
Vừa công chứng xong, khách mua nhà tôi liền treo lên tấm bảng bán nhà. Sau này tôi mới biết anh khách đó bán lại và lời được 600 triệu đồng sau thương vụ mua bán căn nhà của tôi. Dù tiếc hùi hụi nhưng tôi trấn an bản thân rằng người ta đã bỏ ra số tiền lớn mua nhà để đầu tư thì họ xứng đáng có khoản lợi nhuận đó.
Từ đó đến giờ, tôi cứ miệt mài mua nhà ở một thời gian rồi được giá là bán lại. Sau đó, tôi bù thêm tiền để mua nhà ngang lớn hơn. Cứ như vậy, vừa làm nghề chính để tích lũy, có tiền nhàn rỗi, lại bán nhà đang ở và mua nhà lớn hơn. Đến năm 2022, tôi đã có được một căn nhà để ở ngay mặt tiền đường chính Quận 10. Tuy diện tích nhà còn nhỏ, chưa như kỳ vọng, nhưng ít nhất tôi cũng có thêm được một căn nhà hẻm khác để đầu tư tiếp tục nghề tay trái là cho thuê, được giá bán lại, bù tiền đổi căn lớn hơn.
Tôi nghĩ rằng, bất cứ ai dám ước mơ, dám dấn thân, dám hành động, và nghĩ tốt về người giàu thì hoàn toàn xứng đáng được giàu có. Nếu bạn đang ở tầng lớp thấp, còn trẻ, đừng ngại ngần bán sức lao động để kiếm tiền, tích lũy và tái đầu tư. Khi đã có tiền rồi, hãy biết giữ mình, tránh xa các tệ nạn xã hội, và luôn luôn phát triển số tiền mình đang có ngày một lớn lên. Hãy cố gắng vươn lên tầng lớp trung lưu để rồi kỳ vọng sau này con của mình có thể bay cao và bay xa hơn nữa.
Tôi quan niệm, nếu có một trái táo, tôi chia sẻ cho bạn nửa trái, tôi chỉ còn một nửa. Nhưng nếu tôi có kinh nghiệm, có kỹ năng tôi chia sẻ nó để tạo nên sự cộng hưởng. Bạn thành công, tôi thành công, tất cả chúng ta đều thành công. Chúc tất cả mọi người thành công và nhiều sức khỏe, gia tăng thật nhiều tài sản trong thời kỳ khó khăn này. Hãy nhớ, khó khăn càng lớn, cơ hội càng cao.