Nhóm nhà đầu tư này chỉ chọn những bất động sản thật sự hấp dẫn với mức giá chiết khấu cao cùng với vị trí đẹp.
Bất động sản rao bán cắt lỗ, bán tháo đã lan rộng ở nhiều khu vực. Các nhà đầu tư sẵn tài chính đã xuống tiền mua vào.
Khi được hỏi về cơ hội với bất động sản lúc này, một vị chuyên gia trong ngành cho rằng, thực ra cơ hội đang có và đã xuất hiện trên thị trường bất động sản nhưng chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có sẵn tiền mặt. Và cuộc đi săn của những nhà đầu tư cá mập mới chỉ bắt đầu.
“Nhóm nhà đầu tư này chỉ chọn những bất động sản thật sự hấp dẫn với mức giá chiết khấu rất cao cùng với vị trí đẹp”, vị này nhấn mạnh.
Trao đổi mới đây, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Group cho rằng, trước những khó khăn chung của thị trường bất động sản, thanh khoản thứ cấp ghi nhận sụt giảm đáng kể với mức chiết khấu lên đến 20% – 30% so với trước, đặc biệt ở những giao dịch người bán cần bán gấp để thu hồi dòng tiền. Đáng nói, ở thị trường sơ cấp, các chủ đầu tư có xu hướng đẩy mạnh mức chiết khấu thanh toán nhanh, cá biệt ở một số dự án lên đến 40% – 50% khi thanh toán trước đến 95% giá trị hợp đồng nhằm kích cầu thị trường.
Do đó, thị trường hiện tại thích hợp cho những nhà đầu tư có sẵn một lượng tiền mặt nhất định, không bị lệ thuộc vào việc sử dụng đòn bẩy tài chính, có thể dễ dàng thương lượng đạt được những mức chiết khấu hấp dẫn. Ngoài ra, những nhà đầu tư trên còn có thể “săn” được những bất động sản sở hữu vị trí đắc địa mà trước đây khi thị trường chung tích cực, rất khó hoặc dù có tiền cũng chưa chắc sở hữu được.
Thị trường bất động sản đã xuất hiện “đáy”? ông Thắng cho hay, hiện nay rất khó để có thể kết luận thị trường đã tạo “đáy” do bức tranh chung tổng thể vẫn chưa thật sự rõ ràng. Hiện, một số bất cập còn tồn đọng trên thị trường bất động sản, điển hình như:
Việc chỉ đạo tháo gỡ pháp lý hiện tại vẫn chỉ dừng lại ở mức độ chủ trương, định hướng, chưa có nhiều văn bản, Thông tư, Nghị định,… hướng dẫn chi tiết các sở ban hành về việc phối hợp triển khai một cách cụ thể nhằm đạt được hiệu quả tối ưu nhất. Theo đó, cần thời gian để những chỉ đạo tháo gỡ này được triển khai đồng bộ và đủ tác động đến thị trường.
Lạm phát và lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao (10% – 14%/năm), để tạo đà cho thị trường hồi phục cần thiết phải tiếp tục “mạnh tay” có những giải pháp hạ lãi suất hơn nữa, tuy nhiên trong điều kiện vĩ mô nền kinh tế hiện tại thì việc đó gần như là không thể.
Tiếp đến tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường hiện tại đang ở mức rất thấp bởi những thông tin kém tích cực. Cụ thể:
- Bất ổn địa chính trị diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. 3 ngân hàng tại Mỹ tuyên bố phá sản, dấy lên nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu;
- Tăng trưởng GDP Quý 1/2023 chỉ đạt 3.32%, đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây;
- Mặt bằng lãi suất mặc dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người mua bất động sản.
“Với những vấn đề nêu trên, theo tôi hiện tại chưa thể kết luận thị trường đã tạo “đáy”, thay vào đó khả năng sắp tới thị trường sẽ có những sự phục hồi đáng kể với điểm rơi vào thời điểm cuối năm 2023”, ông Thắng nhấn mạnh.
Vị này cũng khẳng định, gần đây, thị trường đang có tâm lý fomo (sợ lỡ mất cơ hội), tuy nhiên, là fomo ở góc độ người bán chứ không phải đến từ bên mua như chúng ta vẫn nghĩ.
“Sức cầu liên tục sụt giảm ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp thời gian qua vô hình chung khiến người bán chật vật hơn trong việc tìm cách thanh khoản bất động sản của mình. Số lượng người quan tâm tìm mua bất động sản hạn chế khiến người bán lo sợ không bán được hàng, điều này đặc biệt phổ biến ở những khách hàng gặp vấn đề dòng tiền, áp lực lãi vay ngân hàng do sử dụng tỷ đòn bẩy lớn”, ông Thắng chia sẻ.
Do đó, người bán vì muốn nhanh chóng thu hồi dòng tiền đầu tư, sẵn sàng chấp nhận thương lượng ở những mức chiết khấu cao cho người mua, dù biết có thể làm giảm lợi nhuận kỳ vọng hoặc thậm chí chấp nhận bán thấp hơn số vốn đã bỏ ra trước đó.
CafeF
Nguồn TẠI ĐÂY