Theo các chuyên gia, Việt Nam là nơi có tiềm năng lớn cho loại hình bất động sản chăm sóc sức khỏe, và đã có nhiều chủ đầu tư bắt đầu quảng bá loại sản phẩm này trên thị trường. Tuy nhiên, loại hình này chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có.
Tiềm năng của bất động sản chăm sóc sức khỏe
Tại hội thảo “Đón đầu xu hướng bất động sản chăm sóc sức khỏe’ do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế dẫn số liệu về sự phát triển của lĩnh vực bất động sản chăm sóc sức khoẻ trên thế giới.
Theo Global Wellness Institute (GWI), bất động sản chăm sóc sức khỏe là một phần trong nền kinh tế chăm sóc sức khỏe (wellness economy). Các thành phần khác của wellness economy bao gồm dịch vụ y tế, thẩm mỹ, ăn uống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng, du lịch sức khỏe, thể dục thể thao, sức khỏe tinh thần…v.v. với tổng giá trị được ước tính lên tới 4,37 ngàn tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2020
Trong các phân khúc này, bất động sản chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực đạt mức tăng trưởng tốt nhất trong giai đoạn 2017-2019 (23,2%/năm so với mức tăng trưởng chung là 6,6% của wellness economy). Năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lĩnh vực này vẫn đạt mức tăng trưởng là 22%, cao nhất trong kinh tế chăm sóc sức khỏe, khiến giá trị của thị trường này đã tăng lên mức 275 tỷ USD (từ mức 148 tỷ USD năm 2017) và chiếm khoảng 6,3% nền kinh tế chăm sóc sức khỏe toàn cầu. GWI dự báo thị trường này sẽ có mức tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 16% trong giai đoạn 2020-2025.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam là nơi có tiềm năng lớn cho loại hình BĐS chăm sóc sức khỏe, và đã có nhiều chủ đầu tư bắt đầu quảng bá loại sản phẩm này trên thị trường. Vị chuyên gia này dẫn một số sự án như Khu nghỉ dưỡng phức hợp khoáng nóng Fuji Onsen tại Phú Thọ, dự án Shizen Nami với mô hình căn hộ tích hợp trung tâm y học tái tạo tại Đà Nẵng, Khu dịch vụ trung tâm y tế Tân Long tại Thái Bình, hay dự án căn hộ cao cấp Haven Park của Ecopark…
Theo ông Lực, BĐS chăm sóc sức khỏe đã có khá nhiều loại hình sản phẩm, từ căn hộ dân cư, biệt thự nghỉ dưỡng tới văn phòng thương mại, qua đó đáp ứng phần nào nhu cầu đa dạng của người dân.
Điểm nghẽn trong phát triển bất động sản chăm sóc sức khoẻ
Đánh giá về thực trạng lĩnh vực bất động sản chăm sóc sức khoẻ, theo các chuyên gia, loại hình này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có. Đại diện của Tổng cục Du lịch cho rằng, loại hình này của Việt Nam còn chưa được khẳng định trên bản đồ du lịch chăm sóc sức khoẻ của thế giới. Các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam nhìn chung còn ít, chưa đa dạng, chưa tương xứng với tiềm năng.
Những năm qua, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch có các cơ sở chăm sóc sức khoẻ đạt tiêu chuẩn đã được quan tâm đầu tư tập trung tại một số khu vực như Kim Bôi (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), các khu du lịch, nghỉ dưỡng của Sun Group ở Quảng Ninh, Phú Quốc, … hay ở các khu đô thị như Novaworld Phan Thiết (Bình Thuận), Ecopark (Hà Nội)… So với tiềm năng sẵn có thì sự phát triển này vẫn chưa xứng tầm với lợi thế mà Việt Nam đang có.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nói trên. Cụ thể, BĐS, du lịch chăm sóc sức khỏe còn là khái niệm mới tại Việt Nam, chưa được định nghĩa, định hướng rõ ràng, chưa có các tiêu chí – tiêu chuẩn cụ thể, chưa có định hướng chính sách phát triển tổng thể từ quy hoạch đất đai, cơ chế ưu đãi hỗ trợ đầu tư, hệ thống tiêu chí tiêu chuẩn xác nhận…, cho đến cơ chế liên kết – phối hợp giữa ngành du lịch và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ – y tế – thể thao….
Mặt khác, còn có nút thắt về nguồn vốn cho đầu tư phát triển BĐS, du lịch chăm sóc sức khỏe; chất lượng đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, cả về nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ phục vụ…
Giải pháp phát triển bất động sản du lịch chăm sóc sức khoẻ
Theo ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam, để bất động sản du lịch chăm sóc sức khoẻ tăng trưởng tốt, việc đầu tiên cần phải xây dựng chính sách phát triển tổng thể du lịch chăm sóc sức khoẻ – wellness tourism đi cùng với chiến lược phát triển du lịch chung quốc gia đến 2025 và định hướng 2030. Mặc dù nhiều doanh nghiệp mạnh và tiềm lực to lớn nhưng vẫn cần phải có một chiến lược chung của quốc gia về lĩnh vực/ngành du lịch này để không gặp phải mạnh ai nấy làm.
Đề xuất thứ hai mà ông Hoàng đưa ra, trong tổng thể quy hoạch phát triển du lịch hoặc quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia cần phải có quy hoạch đất đai cho du lịch gắn liền với việc bảo tồn tài nguyên– môi trường thiên nhiên, đặc biệt trong bối cảnh nhiều cảnh báo về rủi ro biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết cực đoan, nhiệt độ trái đất ấm dần lên, nước biển dâng, lũ lụt … vân vân…
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực đề xuất giải pháp như sớm hoàn thiện quy hoạch, trong đó có quy hoạch đất đai và BĐS, trong đó có BĐS nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe…
Theo ông Lực, cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi các Luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi…đồng thời Chính phủ xem xét, chỉ đạo sớm xây dựng hướng dẫn, khung pháp lý quản lý và phát triển các mô hình quỹ đầu tư BĐS, đầu tư trên nền tảng số, gọi vốn cộng đồng, mua chung BĐS.
Ngoài ra, ông Lực cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần tập trung xây dựng các dự án BĐS chăm sóc sức khỏe với sản phẩm độc đáo, phù hợp; với phương án huy động vốn, sử dụng vốn khả thi, hiệu quả với chất lượng dịch vụ tốt, được quản lý bởi thương hiệu có danh tiếng.