Nguồn cung hạn chế cùng với bảng giá đất mới khiến bất động sản tại TP. HCM và một số khu vực lân cận dự kiến tiếp tục leo thang.
Nguồn cung căn hộ hạn chế, giá bất động sản vẫn leo thang tại thành phố đông dân nhất cả nước
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong 9 tháng đầu năm 2024, nguồn cung nhà ở tại khu vực TP. HCM và các tỉnh lân cận đạt khoảng 11.000 sản phẩm. Nguồn cung này chủ yếu đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án cũ, với 69% là căn hộ và 24% là biệt thự, nhà liền kề.
Riêng trong quý III/2024, nguồn cung bất động sản tại TP. HCM và các tỉnh lân cận chỉ đạt hơn 2.000 sản phẩm, trong đó TP. HCM chiếm 70% nguồn cung toàn khu vực. Tỷ lệ hấp thụ nguồn cung nhà mới tại TP. HCM và các tỉnh lân cận trong 9 tháng qua đạt khoảng 55%, tương đương 6.000 sản phẩm đã được giao dịch thành công.
VARS cũng nhận xét, qua khảo sát một số dự án, giá bán bình quân của các dự án mẫu tại TP. HCM đã tăng từ 49,2 triệu đồng/m2 lên 64,2 triệu đồng/m2, tức tăng 30,6% so với cuối năm 2023. Các chuyên gia đánh giá nhu cầu sở hữu căn hộ có giá dưới 2 tỷ đồng tại TP. HCM rất lớn, trong khi nguồn cung căn hộ mới năm 2024 vẫn hạn chế. Điều này đã đẩy giá nhà lên cao, khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nơi ở phù hợp.
Với dân số hơn 9,3 triệu người, chiếm gần 10% dân số cả nước, TP. HCM là thành phố đông dân nhất Việt Nam.
Giá bất động sản khó giảm trong tương lai
UBND TP. HCM vừa qua đã ban hành bảng giá đất điều chỉnh, sử dụng đến hết năm 2025. Theo đó, mức giá thấp nhất là 2,3 triệu đồng mỗi m2 thuộc khu dân cư Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ), cao nhất là 687,2 triệu đồng ở các đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1).
Cùng với đó, một số khu vực cũng có mức giá tăng cao gấp nhiều lần so với bảng giá đất cũ trước đây. Tại huyện Hóc Môn, đường song hành Quốc lộ 22 từ đường Lý Thường Kiệt đến nhà máy nước Tân Hiệp có giá 30,3 triệu đồng/m2, tăng cao nhất với gần 39 lần so với trước đây. Hay đường Nguyễn Thị Thảnh cũng tại quận Hóc Môn có giá mới 17,1 triệu đồng/m2, gấp 28 lần so với trước…
Theo quan điểm của một số chuyên gia, bảng giá đất mới với mức tăng cao trong ngắn hạn sẽ tạo ra tác động tâm lý đan xen giữa tích cực và tiêu cực. Mặc dù bảng giá đất không tác động trực tiếp lên các dự án bất động sản, nhưng gián tiếp làm tăng chi phí tạo lập quỹ đất và chi phí đóng tiền sử dụng đất.
Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng thu hẹp, các chủ đầu tư sẽ phải mua quỹ đất mới và tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng trong thời gian tới, dẫn đến chi phí giá đất tăng cao. Chi phí này sẽ được tính vào giá bán, từ đó đẩy tăng giá thành sản phẩm.
TS Nguyễn Duy Phương – Giám đốc đầu tư DG Capital nhận định, việc bảng giá đất mới được điều chỉnh theo giá thị trường sẽ khiến chi phí đầu tư ngày càng đắt đỏ. Do đó, khó có khả năng giá bất động sản sẽ giảm mà chỉ có xu hướng tăng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, bảng giá đất điều chỉnh chưa tác động ngay đến thị trường bất động sản do các dự án hiện nay chủ yếu định giá đất theo phương pháp thặng dư. Tuy nhiên, giá đất mới sẽ tác động đến thị trường ở “pha 2”, khi các doanh nghiệp bất động sản nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để triển khai dự án. Khi đó, người dân có xu hướng bán đất với giá cao hơn, tạo áp lực tăng giá nhà.
Vì vậy, theo vị chuyên gia, Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát hiệu quả hoạt động của giới đầu nậu, “cò” đất để tránh việc lợi dụng bảng giá đất mới gây nhiễu loạn thị trường.
Theo Người quan sát
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm :
Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, CafeL.xyz không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. CafeL.xyz chỉ cung cấp thông tin này như một kênh tham khảo thêm dành cho các độc giả!