Kỳ vọng giá đất Phú Quốc sẽ hạ sau ‘triều cường’ cách đây hơn 3 năm, một số nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm thông tin lô đất đẹp tại đảo Ngọc. Nhưng thực tế, mức giá trên thị trường này chưa hề có chuyển biến cắt lỗ mạnh và tiếp tục neo ở ngưỡng cao.
Nhà đầu tư vẫn âm thầm tìm đất Phú Quốc
Không còn cảnh quá rộn ràng đi tìm đất như thời năm 2018 khi cơn bão “sốt giá” đi qua, nhưng Phú Quốc vẫn trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. M. (một tài xế chạy xe taxi tại Phú Quốc) kể lại rằng, những người họ hàng xa xôi của anh ở miền Bắc nhờ cậy để ý và tìm hộ lô đất đẹp. Họ muốn sở hữu một mảnh để đầu tư, chờ tăng giá hoặc dự kiến xây homestay để cho thuê.
Thi thoảng, M. cũng gặp vài nhà đầu tư từ Bắc ra, nhờ anh chở đi xem đất. “Nhiều người vẫn muốn vào Phú Quốc mua đất. Họ thăm dò, hỏi han tình hình suốt xem giá cả ra sao, có lô đất nào đẹp đang bán cắt lỗ không?”, M. kể.
Theo tài xế này, tâm lý chung của những người nhờ anh tìm đất đều đang kỳ vong sẽ có lô đất bán tháo, cắt lỗ. Với mức giá rẻ, họ có thể dễ dàng vào hàng và chờ đợi mức lợi nhuận tốt trong tương lai. Nhưng thực tế, giá đất Phú Quốc chỉ chững lại mà không hề có dấu hiệu cắt lỗ mạnh.
Anh M. cho biết, để mua được lô đất hơn 100m2 vị trí ổn, có sổ đỏ thì mức giá trung bình từ 3-3,5 tỷ đồng. Giá đất Phú Quốc cao như vậy là bởi đã qua tay nhiều nhà đầu tư, môi giới, nên để hạ giá là điều rất khó. Nhất là lô đất đẹp có thể xây homestay hay sát biển thường rất hiếm.
Trong khi đó, đất không sổ đỏ tại Phú Quốc chỉ dao động khoảng 200 triệu đồng-1 tỷ đồng/lô. Tuy nhiên, loại hình đất này có nhiều rủi ro vì có thể mất trắng khi bị thu hồi làm dự án, làm đường.
“Dân lao động như chúng tôi thì chỉ xác định thuê nhà. Ngay cả người dân gốc Phú Quốc họ cũng không buôn bán đất nhiều. Chủ yếu toàn người miền Bắc và dân TP.HCM di cư vào mua đất, làm ăn kinh doanh. Họ mua đi bán lại với nhau là chính chứ người lao động đi thuê, không ai nghĩ tới mua, vì giá cũng đắt”, anh M. chia sẻ.
Đầu tư đất nông nghiệp lãi gấp 10 nhưng có thể mất trắng
Tự nhận là nhà đầu tư tay ngang khi nghề chính là lái xe taxi, ông P. tiết lộ, ông hiện sở hữu khá nhiều đất đai. 40 năm trước, vào Phú Quốc lập nghiệp, nhờ chăm chỉ tích luỹ, khai hoang, ông P. tích luỹ nhiều quỹ đất lớn. Nhà đầu tư này kể, trước đây, ông có lô đất rộng hơn 1,3ha tại khu vực Hòn Thơm. Lô đất này ông dự tính không bán nhưng lại nằm trong quy hoạch dự án. Chủ đầu tư trả ông 22 tỷ. “Nếu không phải bán cho doanh nghiệp thì giờ lô đất này còn tăng giá nữa”, ông P. tiếc nuối kể.
Ngoài lô đất này, ông P. cũng thường xuyên bỏ tiền vào lô đất nông nghiệp. Nếu thắng, tiền lời sẽ gấp 10 nhưng nếu thua thì có thể mất trắng. “Nhưng đến hiện tại, tôi chưa bị lỗ một vụ nào”, ông P. nói.
Ông P. tiết lộ, thường bỏ ra mua đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch dự án sắp làm. Trung bình mỗi lô đất nông nghiệp khoảng 200 triệu đồng. Khi dự án triển khai, doanh nghiệp buộc phải thoả thuận mua với chủ sở hữu đất và số tiền lời có thể gấp nhiều lần. Còn mua đất đã có sổ đỏ khó có lợi nhuận tốt, dù an toàn nhưng mức giá loại hình này quá cao. Ông P. cho biết, muốn mua đất sổ đỏ tài chính phải mạnh còn nếu không, nên đầu tư đất nông nghiệp.
Ông P. cho biết thêm, ông và nhiều người thường cùng góp tiền chung mua đất nông nghiệp. Khi bán đi sẽ dựa theo số vốn góp mà chia lợi nhuận.
Hiện ông P sở hữu 10 chiếc xe ô tô chạy thuê và 2 cano. Thu nhập chính đến từ vận hành ô tô và cano ông dành để trang trải cuộc sống và số dư sẽ tiếp tục đầu tư đất.
Nhà đầu tư này cho biết, quan điểm của ông là có tiền sẽ mua đất đai. Ông muốn dành đất đai để cho con cháu sau này, vì giá đất Phú Quốc sẽ ngày càng đắt đỏ vì người ta tâm lý đổ về nơi đây đầu tư, ôm đất để dành.
“Nhà đầu tư lớn từ Hà Nội hay TP.HCM vào Phú Quốc nhiều lắm. Họ toàn mua lô đất lớn để xây biệt thự, làm kinh doanh bán hàng hay cho thuê. Họ còn ôm nhiều đất và đợi tăng giá”, ông P. nói thêm.