Sổ đỏ là chứng từ pháp lý công nhận hợp pháp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liên với đất của nhà nước. Khi hộ gia đình được cấp sổ đỏ, chủ hộ có những quyền gì?
Cùng tìm hiểu vấn đề trên qua bài viết dưới đây:
1. Sổ đỏ là gì? Sổ đỏ có vai trò như thế nào?
Theo Luật đất đai 2013 sổ đỏ là một loại giấy tờ xác nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản khác liên quan đến đất đai được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có giá trị pháp lý cao nhất trong việc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất đai.
– Chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đất: sổ đỏ là giấy tờ chứng nhận pháp lý về quyền sở hữu và quyền sử dụng đất. Nó xác nhận rằng người sở hữu được quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật. Do đó giúp bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu và tạo điều kiện cho việc sử dụng giao dịch và phát triển đất đai.
– Tạo sự rõ ràng và tin cậy: trong giao dịch đất đai sổ đỏ cung cấp thông tin chi tiết về quyền sở hữu, quyền sử dụng, diện tích, vị trí và các điều kiện liên quan đến đất đai. Điều này giúp tạo sự rõ ràng và đáng tin cậy trong các giao dịch liên quan đến đất đai như mua bán, cho thuê, thế chấp, chuyển nhượng. Sổ đỏ là căn cứ pháp lý quan trọng để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch đất đai.
– Bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu: sổ đỏ giúp bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu đất đai. Nó xác nhận rằng chủ sở hữu có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và ngăn chặn việc xâm phạm tranh chấp hay tranh tụng về quyền sử dụng đất. Chủ sở hữu có sổ đỏ có đầy đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp có tranh chấp hoặc vi phạm liên quan đến đất đai.
– Tạo điều kiện cho phát triển đất đai: sổ đỏ làm cho việc quản lý và phát triển đất đai dễ dàng hơn. Cơ quan quản lý nhà nước có thể sử dụng thông tin từ sổ đỏ để quản lý, lập quy hoạch, kiểm soát và phân bổ đất đai một cách hiệu quả. Ngoài ra sổ đỏ cũng tạo thuận lợi cho việc thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, đầu tư và xây dựng trên đất đai.
2. Phân biệt sổ đỏ cấp cho hộ gia đình và sổ đỏ cấp cho cá nhân
3. Những quyền của chủ hộ khi gia đình được cấp sổ đỏ hộ gia đình
Căn cứ khoản 4 Điều 10 luật cư trú năm 2020 quy định khái niệm về chủ hộ là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử. Trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử. Trường hợp các thành viên hộ gia đình không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình ra tòa án quyết định. Trong trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó là chủ hộ. Do đó người đứng tên chủ hộ phải có các điều kiện:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
- Được thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử
Những quyền của chủ hộ đối với mảnh đất của gia đình được quy định trong luật đất đai 2013 và thông tư 23/2014/TT-BTNMT cụ thể:
– Chủ hộ được đứng tên sổ đỏ, sổ hồng. Căn cứ điểm c khoản 1 điều 5 thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định cách ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Khi cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, hộ gia đình sử dụng đất thì ghi hộ ông hoặc hộ bà sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình, địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
– Ký hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giao dịch khác: đất của hộ gia đình sử dụng đất là tài sản chung của các thành viên. Đây là tài sản chung có thể phân chia khi chuyển nhượng thì không cần phải có chữ ký của toàn bộ thành viên hộ gia đình sử dụng đất và hợp đồng chuyển nhượng tặng cho mà chỉ cần người có tên trên giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền ký tên được quy định tại khoản 1 điều 64 Nghị định 43/2014: hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên. Bên cạnh đó người có tên trên giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về nhà đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
– Ký các giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai: trong quá trình sử dụng đất có thể phát sinh nhiều thủ tục hành chính về đất đai. Khi đó người đứng tên trên giấy chứng nhận thường là chủ hộ có quyền ký các mẫu giấy tờ, hồ sơ, các thủ tục đó. Cụ thể:
- Ký vào đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất
- Ký vào các mẫu đơn khi thực hiện thủ tục cấp đổi, cấp lại, đính chính giấy chứng nhận
- Ký vào các mẫu đơn, các thủ tục đăng ký biến động khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Như vậy khi hộ gia đình được cấp sổ đỏ chủ hộ có các quyền như quyền được đứng tên sổ đỏ sổ hồng, được thay mặt hộ gia đình ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng, chuyển đổi, thế chấp, tặng cho, góp vốn, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất. Ký vào các giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai như đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất, đơn thực hiện thủ tục cấp đổi, cấp lại, đính chính giấy chứng nhận hoặc các mẫu đơn đăng ký, biến động khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho.
Luật Minh Khuê
Nguồn TẠI ĐÂY