Trong năm 2021, sốt đất diễn ra rất quyết liệt, sang năm 2022 dù có nhiều người chết vì đầu tư đất nhưng nhìn chung theo các chuyên gia bất động sản thì giá đất vẫn tăng và tiếp tục sốt theo đà phục hồi kinh tế sau đại dịch, với làn sóng nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Đâu là nguyên nhân chính?
Tại nhiều khu vực, các thông tin quy hoạch, triển khai hạ tầng đã làm giá đất liên tục “nhảy múa”. Chuyên gia dự báo, trong năm 2022 vẫn có khả năng sốt đất sẽ xảy ra.
Liên tiếp các đợt sốt đất
Thời gian qua, hàng loạt “cơn sốt” đất nở rộ ở nhiều khu vực, thậm chí đã lan rộng tới nhiều vùng nông thôn, vùng núi xưa nay vốn yên bình. Sự xuất hiện của các đầu cơ bất động sản khiến giao dịch làng trên xóm dưới cũng trở nên nhộn nhịp, kéo theo giá đất liên tục “nhảy múa”.
Nhiều địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng, Kom Tum… đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị chuyên môn tại địa bàn tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân về những chiêu trò “thổi” giá đất của giới đầu cơ, “cò” đất không chuyên nghiệp nhằm trục lợi cá nhân.
Tuy nhiên, tình trạng “sốt” đất vẫn xảy ra cục bộ ở một số địa bàn. Đơn cử, tại tỉnh Khánh Hòa khi có thông tin quy hoạch sân bay và khu đô thị Cam Lâm thuộc huyện Cam Lâm đội ngũ đầu nậu, “cò” đất đổ bộ về đây làm cho giá đất ở một số xã gần khu đô thị mới được đồn thổi tăng gấp từ 3 – 4 lần, được đăng tin rao bán công khai trên các mạng xã hội. Những lô đất cách đây chưa đầy 1 năm giá bán chưa đến 100 triệu đồng 1 mét chiều ngang, giờ được đẩy lên khoảng 300 triệu đồng. Đáng chú ý, nhiều lô đất gần mặt đường lớn có thêm vườn rao bán từ 2 – 3 tỷ đồng/mét chiều ngang.
Tương tự, tỉnh Lâm Đồng cũng xảy ra “sốt” đất ở các huyện: Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, TP. Đà Lạt. Số liệu báo cáo từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay lượng giao dịch nhà đất trên địa bàn tăng đột biến, toàn tỉnh có 12.467 lô đất nền giao dịch thành công, với tổng số tiền thu về hơn 11.911 tỷ đồng.
Hay như tại tỉnh Quảng Bình, khi xuất hiện thông tin tỉnh sẽ triển khai dự án tuyến đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, qua địa bàn huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP Đồng Hới, giá đất gần với dự án cũng tăng từ 2 – 3 lần, tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi… Như vậy, có thể thấy bất chấp những biện pháp can thiệp từ chính quyền địa phương, “sốt” đất vẫn xảy ra.
Các cơn sốt đất còn tiếp diễn
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, chương trình phục hồi phát triển kinh tế là cơ hội với thị trường bất động sản. Một trong các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường bất động sản lớn nhất là vốn thì nay sẽ khác. Với gói hỗ trợ lãi suất 2% của các Ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp khi vay ngân hàng để phát triển dự án, dự kiến khoảng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ hay 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đối tượng thuê, mua nhà ở vay với lãi suất thấp dẫn tới lo ngại là lấy đâu ra nguồn cung để cho người dân mua nhà ở xã hội.
Điều này có nghĩa là muốn giải ngân 15.000 tỷ thì phải có nguồn cung nhà ở xã hội cho người dân, có cung mới tiêu được cầu. Như vậy, chúng tôi lo rằng, trong 2 năm liệu có tiêu hết 15.000 tỷ, phải tính tới nguồn cung? Ngoài ra, còn gói hỗ trợ gián tiếp 114.000 tỷ qua đầu tư kết cấu hạ tầng. Đầu tư kết cấu hạ tầng tác động đầu tiên tới kinh tế, sau đó là bất động sản.
“Khi cơ sở hạ tầng giao thông đầy đủ bất động sản sẽ phát triển. Không ngẫu nhiên các tỉnh sốt đất, các dự án bất động sản phát triển vì được thúc đẩy hạ tầng giao thông. Và cần hiểu rằng thị trường bất động sản không chỉ là nhà ở mà còn là bất động sản du lịch, bất động sản công nghiệp, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng sẽ phát triển”, ông Khởi cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, việc hàng loạt địa phương vào cuộc để ngăn chặn tình trạng sốt đất trên thị trường là tín hiệu tích cực giúp bình ổn giá đất, hướng thị trường phát triển lành mạnh. Ở thời điểm hiện tại giá đất nền không còn tăng nóng như 3 tháng đầu năm.
“Trong quý đầu năm, thị trường đất nền vẫn khá sôi động với mức độ quan tâm cả nước tăng 4% so với thời kỳ năm 2019. Nhiều địa phương gia tăng đáng kể cả về lượt tìm mua lẫn giá rao bán đất như Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa. Tuy nhiên, bước sang tháng 4/2022, mức độ quan tâm đến đất nền trên cả nước đã giảm mạnh gần 20% so với tháng liền trước”, ông Đính cho biết.
Tuy nhiên, dự báo về diễn biến giá đất nền trong những tháng cuối năm 2022, ông Đính cho rằng, các cơn sốt đất nhằm đẩy giá tăng cao vẫn có thể tiếp diễn. Đặc biệt là đất nền vùng ven các thành phố lớn khi các dự án hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh. Thậm chí, ngay thời điểm hiện tại, giá đất nền vùng ven TP. Hà Nội đang tăng.
Ông Đính cho biết, nguyên nhân xuất hiện các cơn sốt đất, thổi giá, một phần là do chủ đầu tư đang kỳ vọng lợi nhuận quá cao nên trực tiếp đẩy giá bán. Mặc khác, bất động sản đang được xem là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Chưa kể, đầu tư công trong năm 2022 được triển khai dồn dập, nhiều dự án mới được hình thành, các dự án đang dang dở được đẩy nhanh tiến độ đã tạo tín hiệu khởi sắc cho thị trường song cũng kéo giá bất động sản lân cận “ăn theo”.
Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, để đảm bảo giá đất nền trong thời gian tới được diễn biến ổn định, đúng với nhu cầu thực, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quyết liệt kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, các dự án đầu tư, giao dịch đất nền… để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật; cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
Ông Đính cho rằng, cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với tình trạng mua bán đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở trái quy định của pháp luật để tránh dẫn đến hiện tượng sốt đất ảo. Chính quyền địa phương cũng cần quản lý các sàn giao dịch và môi giới bất động sản chặt chẽ, hiệu quả hơn.