Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bất động sản 2023 sẽ còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những dấu hiệu tích cực.
Đầu năm sôi động, cuối năm trầm lắng
Có thể nói, 2022 là một năm nhiều cung bậc của thị trường bất động sản (BĐS). Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đầu năm 2022 là thời điểm thị trường sôi động không chỉ với căn hộ mà cả phân khúc đất nền.
Không ít nhà đầu tư tìm về vùng nông thôn “săn” đất khiến cho tình trạng sốt đất cục bộ xảy ra ở một số địa phương.
Thống kê của Bộ Xây dựng, so với tháng 10/2021, giá nhà đất trung bình của quý đầu năm 2022 tăng 6%. Thậm chí, một số nơi giá đất tăng từ 50% – 100%.
Đến giữa năm, thị trường bắt đầu chững lại. Chịu tác động đầu tiên là phân khúc đất nền nông thôn, sau đó lan sang phân khúc căn hộ trung và cao cấp tại các đô thị lớn. Giao dịch ảm đạm, thanh khoản giảm.
Quý cuối năm, sự suy giảm của thị trường dần lộ rõ. Để kích cầu, các chủ dự án tung nhiều chương trình chiết khấu chưa từng có. Tuy vậy, các nguồn vốn tín dụng trong lĩnh vực BĐS tắc nghẽn gây tác động xấu đến thị trường.
‘Điểm sáng’ của thị trường BĐS 2023
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, dự báo trong năm tới, thị trường BĐS sẽ diễn biến theo hai kịch bản trái ngược nhau. Điều này phụ thuộc vào những chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ.
Trường hợp không có sự điều chỉnh về chính sách tín dụng sau Tết Nguyên đán, thị trường BĐS sẽ tiếp tục khó khăn như hiện nay.
Còn nếu có sự điều chỉnh chính sách về nguồn vốn và trái phiếu sau dịp Tết, theo ông Đính, kịch bản tích cực là thị trường BĐS sẽ ấm dần lên và có sự phát triển ổn định trong năm 2023.
Nhận định về tính thanh khoản của thị trường BĐS năm 2023, TS.Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức ổn định.
Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế, nhất là phân khúc nhà ở vừa túi tiền, sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản chung của thị trường. BĐS công nghiệp và văn phòng là hai phân khúc vẫn hoạt động tốt, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có nhu cầu mở rộng.
Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định, thị trường sẽ có tín hiệu đảo chiều và cân bằng hơn vào giai đoạn cuối năm 2023, tăng trưởng trở lại vào năm 2024. Các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực như chung cư hay nhà phố sẽ dẫn dắt thị trường.
Ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho rằng, phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu ở thực là “điểm sáng” để tháo gỡ khó khăn cho thị trường hiện tại. Do đó, các chủ đầu tư đã và đang cơ cấu nợ, chính sách bán hàng để tập trung vào phục vụ nhu cầu này của người mua.
“Muốn kích hoạt được dòng tiền từ người mua nhà ở thực thì giá BĐS cần giảm tiếp. Trong ngắn hạn, giá của một số phân khúc ở một số khu vực có thể vẫn chững lại. Những người sở hữu chịu áp lực lãi suất cao trong thời gian dài buộc phải bán ra, và đây cũng là thời điểm thị trường đủ hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền vào bắt đáy, giúp tăng thanh khoản, khơi thông dòng vốn đang tắc nghẽn”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Sự phục hồi của thị trường cho thuê là xu hướng được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2023. Nhu cầu thuê sẽ gia tăng ở tất cả các loại hình, đặc biệt là chung cư.
Do mặt bằng giá bán chung cư tại các đô thị lớn vẫn neo ở mức cao, người dân ngày càng có ít lựa chọn căn hộ ưng ý trong tầm giá dưới 2 tỷ đồng, nên sẽ tiếp tục đi thuê.
Bên cạnh đó, một bộ phận người mua nhà đang có tâm lý chờ giá xuống thấp hơn rồi mới chốt mua. Do vậy, nhà phố, biệt thự và văn phòng cho thuê cũng được kỳ vọng sẽ tiếp diễn đà phục hồi từ năm 2022.