Bất động sản “chui” – tức các sản phẩm bất động sản chưa đủ tính pháp lý để kinh doanh, giao dịch,…
Việc cảnh báo để loại bất động sản (BĐS) này không phát triển và không để lại hệ lụy về sau là cần thiết trong bối cảnh trên mạng xã hội ngập tràn những thông tin về các dự án BĐS “chui”. Và đó cũng là thông điệp vừa được Sở Xây dựng Bình Thuận phát đi mới đây.
Công văn liên quan đến câu chuyện này do Sở Xây dựng Bình Thuận ban hành cho biết, trên địa bàn tỉnh thời gian qua có những diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm sau đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, một số dự án chưa được chấp thuận đầu tư, đang trong giai đoạn lập thủ tục đầu tư và các biểu hiện thiếu tính pháp lý khác, nhưng chủ đầu tư hoặc các đơn vị môi giới BĐS đã thực hiện các hình thức: quảng cáo, giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí lô đất để thu tiền của nhà đầu tư, người mua.
Các hình thức nêu trên không được quy định tại luật Nhà ở, luật Kinh doanh BĐS hoặc các quy định pháp luật khác. Điều này có nghĩa nếu các giao dịch dân sự liên quan đến BĐS chưa hội đủ tính pháp lý đã diễn ra sẽ chứa đựng nhiều rủi ro, hệ lụy, trực tiếp ảnh hưởng đến người dân. Đó là các tình huống không ai muốn, là các khả năng phát sinh tranh chấp dân sự, khiếu kiện, khiếu kiện kéo dài và cả khả năng khiếu kiện tập thể, nếu dự án lớn có đông người mua bị thiệt hại. Điều này không loại trừ ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội; lớn hơn nữa là ảnh hưởng môi trường đầu tư, các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh.
Sở Xây dựng Bình Thuận – với chức năng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành – phát đi “cảnh báo” các giao dịch dân sự về BĐS chưa đủ yếu tố pháp lý là điều đang được dư luận địa phương quan tâm và hoan nghênh. Nhưng để ngăn chặn loại hình BĐS “chui” cần có sự vào cuộc của các ngành, địa phương. Quan trọng hơn cả là việc kiểm soát các dự án ngay từ hồ sơ; quyết không để các dự án chưa đủ tính pháp lý nhưng đã được rao bán như “rau”.
Theo Thanh Nien