Một số người Mỹ không đủ khả năng tài chính để cạnh tranh trong thị trường nhà ở truyền thống đắt đỏ đang chuyển sang mua nhà lắp ghép với mức giá thấp hơn rất nhiều.
Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, các lô hàng nhà lắp ghép (prefabricated home, hay còn gọi là nhà tiền chế hoặc nhà mô-đun) được tung ra thị trường đã tăng liên tục trong vòng 5 tháng tính đến tháng 8 vừa qua. Mức tăng hàng năm theo mùa đạt 7% với 89.000 căn, từ 83.000 căn trong tháng 3 – tháng có số lượng hàng thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020.
Sự kết hợp giữa lãi suất thế chấp tăng và giá cao đối với cả nguồn cung nhà mới và nhà hiện có đã khiến việc mua nhà vượt ra khỏi tầm với của nhiều người dân Mỹ. Điều này, ở khía cạnh tích cực, dường như đang thúc đẩy nhu cầu đối với nhà lắp ghép, một lĩnh vực đã mất dần thị phần trong thập kỷ qua.
Brian Abramson, Giám đốc điều hành của Method Homes, một công ty xây dựng nhà lắp ghép cao cấp, cho biết: “Lãi suất hiện đang đẩy những người sắp đủ khả năng mua nhà ra khỏi cuộc đua. Vì vậy, nhu cầu đối với nhà lắp ghép chắc chắn sẽ tăng lên”.
Các chuyên gia nhận định, nhà lắp ghép được sản xuất tại nhà máy, không đòi hỏi nhiều lao động tại chỗ, và không phải đối mặt với tình trạng chi phí leo thang như các dự án nhà ở truyền thống được xây dựng tại chỗ.
Abramson cho biết, Method Homes đã chứng kiến lượng đơn đặt hàng sắp tới tăng 10% tính đến quý 3 năm 2023 sau khi không tăng trưởng vào năm 2022.
Lãi suất cho vay mua nhà tăng cao nhằm đáp ứng chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã làm giảm khả năng chi trả của người dân. Theo Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp Mỹ, khoản thanh toán thế chấp trung bình để vay mua nhà mới được thực hiện vào tháng 9 năm nay đã cao hơn 11% so với mức trung bình của năm ngoái là 1.941 USD. Lãi suất trung bình của khoản thế chấp cố định 30 năm đã tăng lên 7,90% vào tháng 10, mức cao nhất trong hơn 20 năm.
Theo dữ liệu điều tra dân số, tính đến tháng 5, tháng gần đây nhất có dữ liệu, giá trung bình của một ngôi nhà lắp ghép tại Mỹ là 129.900 USD, rẻ hơn khoảng 40% so với những ngôi nhà được xây dựng tại chỗ theo kiểu truyền thống.
Nhưng ngay cả với sự chênh lệch giá lớn như vậy, ngành công nghiệp nhà lắp ghép vẫn phải vật lộn để giành lại thị phần sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, phần lớn là do người tiêu dùng lo ngại rằng mức giá rẻ hơn đồng nghĩa với chất lượng thấp hơn.
Danushka Nanayakkara, Trợ lý Phó chủ tịch tại Hiệp hội Xây dựng Nhà quốc gia Mỹ (NHAB), cho biết: “Nhiều người dân kỳ thị nhà lắp ghép vì cho rằng chúng chỉ là những ngôi nhà di động. Ngoài ra, ngành này còn phải đối mặt với các thách thức về vận tải, việc tìm kiếm các nhà máy có thể sản xuất hàng loạt căn nhà, và khung thời gian phù hợp để di chuyển những tòa nhà lớn này. Quy chuẩn xây dựng ở một số thành phố cũng hạn chế hoạt động sản xuất nhà lắp ghép từ nơi khác”.
Devin Perry, Giám đốc điều hành chương trình cải tiến kinh doanh tại NAHB cho biết, hầu hết các nhà máy xây dựng mô-đun đều tập trung ở Trung Đại Tây Dương và Đông Nam nước Mỹ, nơi có thị phần nhà lắp ghép vượt xa mức trung bình toàn quốc là 2%.
Perry cho biết: “Khi những khó khăn gia tăng trong lĩnh vực xây dựng tại chỗ truyền thống, chủ yếu là thiếu lao động và khan hiếm vật liệu, thì mọi người sẽ bắt đầu xem xét các phương pháp thay thế. Điều này đang tạo cơ hội cho nhà lắp ghép giành được nhiều thị phần hơn”.
Theo Thanh Niên Việt
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm :
Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, CafeL.xyz không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. CafeL.xyz chỉ cung cấp thông tin này như một kênh tham khảo thêm.