Có một thực tế gây nhiều chú ý, tình trạng nguồn cung bất động sản (BĐS) khan hiếm đã kéo dài liên tục trong 5 năm vừa qua và khả năng sẽ tiếp tục khan hiếm trong năm 2023.
Báo cáo tổng kết thị trường bất động sản 2022 của Bộ Xây dựng cho thấy, các dự án mới được cấp phép trong năm vừa qua tiếp tục giảm so với năm 2021. Điều này đã khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở, đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn rất hạn chế.
Cụ thể, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, trong năm 2022 cả nước chỉ có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép (số lượng dự án bằng khoảng 52,7% so với năm 2021); có 466 dự án với 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng (bằng khoảng 47,7% so với năm 2021); 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng (bằng khoảng 55,2% so với năm 2021).
Đối với dự án nhà ở xã hội, trên cả nước chỉ có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Tình trạng nguồn cung BĐS khan hiếm kéo dài liên tục trong 5 năm vừa qua và được dự báo sẽ tiếp tục khan hiếm trong năm 2023.
Nguyên nhân là do những khó khăn về nguồn vốn, thủ tục pháp lý, thanh khoản thị trường vẫn còn tiếp diễn và các chính sách điều hành từ phía cơ quan Nhà nước sẽ cần một độ trễ nhất định.
Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) dự báo, quý I/2023, nguồn cung mới trên thị trường BĐS ước giảm 80% so cùng kỳ năm trước. Còn nguồn cung thứ cấp mới ước tăng 15%, song phần lớn đến từ các dự án có quy mô lớn đã triển khai.
Thực tế, thị trường BĐS trong tháng đầu tiên năm 2023 không có dự án sơ cấp mới được triển khai, nguồn cung tiếp tục nhỏ giọt. Đa số chủ đầu tư đang quan sát chuyển biến thị trường, tiếp tục hoàn thiện pháp lý và chờ đợi thời điểm thích hợp để giới thiệu đến khách hàng.
Tuy nhiên dù nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu mua và đầu tư BĐS luôn luôn hiện hữu, song vẫn tồn tại nghịch lý tồn kho BĐS tăng cao.
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, tổng giá trị hàng tồn kho của một số doanh nghiệp BĐS lớn niêm yết trên sàn chứng khoán như Novaland, Vinhomes, DIC Corp, Đất Xanh Group, Khang Điền, Phát Đạt, TTC Land, LDG Group, CII, Nam Long… lên tới gần 270.000 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021.
Cụ thể, hàng tồn kho trong năm 2022 của Novaland là 134.485 tỉ đồng, Vinhomes là 65.816 tỉ đồng, DIC Corp là 5.923 tỉ đồng, Đất Xanh Group là 14.238 tỉ đồng.
Có thể thấy, tình trạng khan nguồn cung nhưng vẫn tồn hàng đã phần nào ánh thực trạng khó khăn của thị trường BĐS hiện nay. Đó là khó khăn về dòng vốn, về pháp lý trong việc triển khai dự án mới hay khó khăn về thanh khoản thị trường, nhà đầu tư e dè dẫn đến giao dịch yếu, hàng tồn tăng cao.
Theo Lao động