Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC cho rằng, thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục. Đây sẽ là thời kỳ mà thị trường phải trải qua những khó khăn tạm thời, đặt nền móng cho sự phát triển trong thời gian tới.
Tại hội nghị chuyên đề “Meet The Experts”, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC cho hay, ngành Khách sạn đang trong giai đoạn chuyển giao. Đây là thời kỳ mà thị trường phải trải qua những khó khăn tạm thời, tuy nhiên những thách thức này đặt ra nền móng cho các cải thiện mang tính lâu dài, giúp thị trường định hình rõ ràng hơn cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ và quản lý vận hành.
Vị này thừa nhận, hoạt động của các khu nghỉ dưỡng ven biển khôi phục chậm hơn so với kỳ vọng do vẫn còn thiếu vắng nguồn khách quốc tế. Nhìn chung, công suất phòng trung bình của Việt Nam vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 40%; một số điểm đến ven biển nổi tiếng như Nha Trang – Cam Ranh, Đà Nẵng thậm chí ghi nhận mức độ khôi phục thấp hơn trung bình thị trường. Trong khi đó, nhiều khách sạn tại Tp.HCM và Hà Nội đang ghi nhận những cải thiện trong hoạt động kinh doanh.
“Phân khúc khách công vụ, khách lưu trú dài hạn và các đoàn khách MICE đang có xu hướng tăng trưởng tốt. Một số khu nghỉ dưỡng cao cấp, boutique cũng ghi nhận kết quả hoạt động khá tích cực. Điều này cho thấy những sản phẩm chất lượng, quản lý vận hành tốt vẫn có tệp khách hàng riêng ngay cả trong những giai đoạn thị trường biến động”, ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Savills, thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục. Trong 10 tháng đầu năm 2022, hoạt động du lịch nội địa ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với 91,8 triệu lượt khách nội địa, và đã vượt mức tổng lượt khách nội địa của cả năm 2019 là 85 triệu lượt. Dẫu vậy hoạt động du lịch quốc tế chưa được như kỳ vọng. Tính hết 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam mới chào đón 2,35 triệu lượt khách quốc tế, bằng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Sự sụt giảm nguồn cầu từ hai thị trường khách Trung Quốc và Nga đã làm chậm quá trình khôi phục hoạt động du lịch quốc tế.
Hiện nay, Hàn Quốc là thị trường dẫn đầu về lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đạt gần 620.000 lượt khách và chiếm 26% tổng lượt khách quốc tế. Bên cạnh đó, thị trường khách Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với mức tăng trung bình 51%/tháng, thu hút 82.000 lượt khách trong 10 tháng đầu năm.
Ông Mauro cho rằng, sự sụt giảm nguồn cầu quốc tế chỉ là một trong những rào cản của quá trình phục hồi của ngành du lịch. Bên cạnh đó, không thể không đề cập đến tốc độ tăng trưởng nguồn cung lớn tại một số địa điểm du lịch trong nước, góp phần gia tăng áp lực lên giá bán và công suất phòng tại những thị trường này. Trong ba năm tới, ước tính sẽ có thêm 47.000 phòng (bao gồm dự án khách sạn và condotel) đi vào vận hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện thị trường cùng với các chính sách kiểm soát tín dụng, một phần các dự án đang triển khai này có thể sẽ bị chậm tiến độ hơn so với dự kiến.
Chia sẻ tại hội thảo trước đó, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế đánh giá, thời điểm này rất thuận lợi và có điểm sáng là nguồn vốn FDI, xuất khẩu dương… tạo tiền đề tích cực cho BĐS phát triển. Mặt khác, thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng kế hoạch, trong khi chi chưa nhiều. Điều này tạo dư địa giúp Chính phủ có thể thực hiện các nhiệm vụ chi, trong đó có chi cho đầu tư hạ tầng giao thông.
Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng lớn về du lịch, điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng phong phú, có bờ biển dài, nhiều rừng núi đẹp để phát triển du lịch. Chúng ta có điều kiện hạ tầng du lịch tốt, hàng năm đều thu hút một lớn lượng khách quốc tế đến du lịch. Mỗi năm lượng khách tăng trưởng 15%, nằm trong top 3 của 10 thị trường du lịch có sự phát triển nhanh nhất. Năm 2020, Chính phủ đề ra chiến lược phát triển du lịch. Trong 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng dịch bệnh nên có sự ngưng trệ nhưng từ tháng 3/2022, Việt Nam đã mở cửa, chúng ta khống chế được dịch, góp phần tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế. Tất cả điều trên tạo tiềm năng cho sự phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Tuy vậy, thực tế dù hoạt động du lịch đang khởi động lại, thanh khoản và công suất của bất động sản ven biển vẫn chưa hồi phục so với trước đại dịch.
Theo các chuyên gia, sự sụt giảm nguồn cầu là do vẫn còn những rào cản cho quá trình phục hồi của ngành du lịch. Ngoài ra, nguồn cung tăng trưởng nhanh hơn so với nhu cầu đang yếu cũng gây áp lực trong việc cải thiện công suất phòng khách sạn.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho biết, sức cầu thị trường BĐS nghỉ dưỡng còn ở mức rất thấp, xu hướng giảm tiếp tục kéo dài từ cuối 2019 đến nay, dự án mới mở bán có tình hình tiêu thụ hàng khá chậm. Những khu vực quen thuộc và phát triển mạnh về condotel như Khánh Hòa, Đà Nẵng… tiếp tục vắng bóng nguồn cung mới với thanh khoản khiêm tốn.
“Thị trường sẽ cần thêm thời gian hồi phục nguồn cung lẫn lực cầu sau giai đoạn dài ngủ đông. Tuy nhiên quá trình hồi phục này sẽ diễn ra chậm chạp và khó có đột biến, các địa bàn có khả năng bật dậy rơi vào các nhóm tỉnh thành: Thanh Hóa, Bình Định, Đà Nẵng và Quảng Ninh….”, vị này nhấn mạnh.