Nhìn chung thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh rất sôi động nhưng theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản thì tình hình thị trường căn hộ có hai chiều hướng trái ngược nhau:
- Thị trường căn hộ sơ cấp (bán lần đầu) : tăng nhờ chính sách ân hạn nợ, lãi suất 48 tháng;
- Thị trường căn hộ thứ cấp : trầm lắng, không nói là đang ế ẩm;
Theo báo cáo thị trường căn hộ TP HCM của DKRA Việt Nam cho biết, lực mua căn hộ chào bán trong tháng 5 đã bật tăng trở lại trên thị trường sơ cấp chủ đầu tư chào bán lần đầu. Cụ thể, sức tiêu thụ nhà chung cư tháng qua đạt 5.928 căn trên tổng nguồn cung mới 6.310 căn, chủ yếu thuộc phân khúc căn hộ hạng A với mức giá chào bán phổ biến từ 60 triệu đồng một m2 trở lên tại khu Đông TP HCM. Với hơn 5.900 căn bán được cho thấy thanh khoản căn hộ tháng vừa qua tăng gấp 3,5 lần so với tháng 4.
Nguồn cung và lượng tiêu thụ mới tập trung toàn bộ tại TP Thủ Đức. Nguồn cung lẫn sức cầu chung toàn thị trường bật tăng mạnh so với tháng trước và cùng kỳ, tuy nhiên chỉ tập trung ở một giai đoạn tiếp theo của dự án đại đô thị tại quận 9 cũ. Nguyên nhân thanh khoản bật tăng trở lại là do các dự án mở bán trong tháng đều đã được cấp room bảo lãnh của ngân hàng từ trước, áp dụng linh hoạt chính sách ân hạn gốc/lãi vay lên đến 48 tháng nhằm kích cầu người mua. Nhờ đó rổ hàng mới này vượt qua được khe cửa hẹp trước áp lực của động thái siết tín dụng.
Tuy nhiên, DKRA cũng cho biết thêm, trên thị trường thứ cấp, thanh khoản căn hộ sụt giảm đáng kể, phần lớn đến từ việc các hồ sơ vay mua nhà không được ngân hàng phê duyệt giải ngân trong tháng. Căn hộ hạng C (phân khúc bình dân, giá rẻ) còn gọi là nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu ở thực, vẫn tiếp tục vắng bóng trên thị trường trong tháng qua.
Theo ghi nhận của VnExpress, hoạt động mua bán căn hộ trên thị trường thứ cấp TP HCM vẫn đang tắc thanh khoản. Nhiều trường hợp nhà đầu tư ôm hàng đã lâu không gồng gánh nổi chi phí lãi vay đã giảm giá 5-7% để thoát hàng. Thế nhưng, thời gian chờ bán của nhóm nhà đầu tư này tính bằng một vài quý trở lên vẫn chưa bán được.
Trong khi đó, không phải mọi rổ hàng sơ cấp mới chào bán ra thị trường đều có thanh khoản tốt. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bán hàng do người mua chưa tiếp cận được gói tín dụng.
Tại một hội thảo về khơi thông vốn cho thị trường bất động sản mới đây, bà Võ Thị Hồng Mai, Phó tổng giám đốc Công ty Asian Holding cho biết thanh khoản của thị trường nhà ở từ sau mùa Covid đến nay diễn ra rất chậm. Doanh nghiệp khó chào bán bất động sản vì khách hàng lo ngại về thông tin ngân hàng siết tín dụng khiến họ không dám xuống tiền mua nhà vì khó tiếp cận vốn vay.
Theo bà Mai, khách hàng mua nhà để ở cũng có trường hợp mua đầu tư, và trong số đó nhu cầu vay vốn từ ngân hàng khoảng 20-30%. Sau khi có thông tin ngân hàng siết tín dụng bất động sản, thị trường càng thêm ảm đạm.
Dù thanh khoản căn hộ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp ngược chiều nhau, giá rao bán nhà chung cư vẫn neo cao tại TP HCM. Dữ liệu thị trường căn hộ tháng 5 vừa qua của Batdongsan cho biết, giá rao bán chung cư tại TP HCM tăng 5% so với mặt bằng giá 2021. Nhu cầu tìm mua căn hộ cao cấp và trung cấp tăng lần lượt 14% và 5%. Riêng căn hộ bình dân có nhu cầu mua giảm 14%, do không có hàng hóa phân khúc này chào bán ra thị trường. Trong tháng 5, lượng tin đăng bán phân khúc chung cư giá rẻ cũng giảm đến 18% so với cùng kỳ năm trước.