Điều kiện thừa kế đất trồng lúa theo quy định của pháp luật hiện hành gồm những gì? Công chức, viên chức hoặc những người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì có được nhận thừa kế đất trồng lúa không?
Câu hỏi: Chào Luật sư, bố mẹ tôi muốn để lại thừa kế cho hai chị em tôi diện tích đất trồng lúa sau khi mất.
Tuy nhiên, em gái tôi là giáo viên (viên chức), vậy Luật sư cho tôi hỏi:
1. Một là : điều kiện để bố mẹ tôi có thể để thừa kế đất trồng lúa là gì?
2. Hai là : giáo viên có được nhận thừa kế đất trồng lúa hay không?
Luật sư tư vấn
Chào bạn, với những vướng mắc xoay quanh vấn đề thừa kế đất trồng lúa mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Điều kiện được thừa kế đất trồng lúa là gì?
Trước hết, pháp luật dân sự, pháp luật đất đai cho phép người có tài sản là quyền sử dụng đất được để lại thừa kế.
Hình thức thừa kế mà người có tài sản được quyền lựa chọn là thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.
Căn cứ quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013, điều kiện để được thừa kế đất trồng lúa gồm:
- Đất trồng lúa đã được cấp sổ đỏ;
- Quyền sử dụng đất trồng lúa không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;
- Đất trồng lúa không thuộc trường hợp có tranh chấp;
- Vẫn còn thời hạn sử dụng đất;
Ngoài ra, diện tích đất trồng lúa là di sản thừa kế phải đảm bảo không thuộc trường hợp có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền;
Khi đảm bảo thỏa mãn các điều kiện trên, bố mẹ bạn có quyền thực hiện lập di chúc để lại tài sản thừa kế cho các con hoặc để lại di sản thừa kế theo pháp luật.
Kết luận: Điều kiện thừa kế đất trồng lúa bao gồm đất đã được cấp sổ đỏ, không bị kê biên để đảm bảo thi hành án, trong thời hạn sử dụng đất…
Việc thừa kế đất trồng lúa có thể được thực hiện thông qua việc lập di chúc hoặc để thừa kế theo pháp luật.
Giáo viên có được nhận thừa kế đất trồng lúa không?
Giáo viên, công chức, viên chức, cán bộ hoặc những người khác không thuộc đối tượng là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì có thể bị hạn chế về quyền sử dụng đất.
Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp là người không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT:
…
2. Các căn cứ để xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp:
a) Đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; do nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất nông nghiệp mà chưa được Nhà nước công nhận;
b) Không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội;
c) Có nguồn thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đang sử dụng quy định tại Điểm a Khoản này, kể cả trường hợp không có thu nhập thường xuyên vì lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh;
d) Trường hợp giao đất nông nghiệp cho cá nhân theo quy định tại Điều 54 của Luật đất đai, đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của cá nhân thì chỉ căn cứ quy định tại Điểm b Khoản này.
…
Cụ thể, khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Điều 191. Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
…
3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
…
Theo đó, pháp luật đất đai không cho phép người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quyền nhận tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.
Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 không cấm việc nhận thừa kế tài sản là đất trồng lúa. Vậy nên, em gái bạn là viên chức vẫn được nhận thừa kế là quyền sử dụng đất trồng lúa theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Thủ tục để thực hiện nhận thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc là đất trồng lúa trong trường hợp của bạn như sau:
Bước 1: Lập văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là đất ruộng;
Việc lập văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia được thực hiện sau khi những người được nhận thừa kế đã có buổi họp mặt thảo luận về việc chia tài sản thừa kế;
Văn bản này phải được lập có công chứng, chứng thực sau khi đã được niêm yết tại nơi có đất, nơi thường trú cuối cùng của bố mẹ bạn trước khi mất;
Bước 2: Sang tên sổ đỏ đất trồng lúa
Sau khi đã có văn bản thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế, những người được hưởng tài sản thực hiện đăng ký biến động/sang tên sổ đỏ đất trồng lúa từ tên của ba mẹ bạn sang chị em bạn.
Hồ sơ chị em bạn cần chuẩn bị trong giai đoạn này gồm:
- Văn bản khai nhận/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là đất trồng lúa đã được công chứng/chứng thực (bản chính);
- Sổ đỏ đất trồng lúa (bản chính);
- Giấy khai sinh của chị em bạn (bản sao);
- Giấy chứng tử (bản sao);
- Văn bản ủy quyền (nếu có);
- Văn bản từ chối di sản (nếu có);
Nơi giải quyết việc sang tên sổ đỏ thừa kế đất trồng lúa là văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.
Những người nhận thừa kế tài sản là đất trồng lúa cũng phải đóng nộp các khoản thuế, phí, lệ phí theo quy định pháp luật gồm lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ, lệ phí cấp giấy chứng nhận, chi phí tách thửa nếu nhận thừa kế đồng thời với việc tách thửa đất,…
Kết luận: Viên chức, công chức … trong đó có giáo viên là đối tượng được quyền nhận thừa kế đất trồng lúa theo quy định pháp luật.
Vậy nên, em gái bạn cũng là người được hưởng tài sản là đất trồng lúa, được đứng tên trên sổ đỏ đối với tài sản thừa kế này.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về thừa kế đất trồng lúa.