Trừ khi các bên có nhu cầu, Luật không bắt buộc phải công chứng hợp đồng thuê nhà.
Thuê nhà là hoạt động khá phổ biến ở các thành phố lớn như Tp.HCM…, nơi người dân từ các tỉnh, thành khác đổ về để học tập, làm việc. Cũng chính từ đó, các tranh chấp phát sinh liên quan đến hoạt động này thường xuyên xảy ra.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, liệu khi đi thuê nhà thì hợp đồng thuê có phải công chứng không, vì sợ nếu không công chứng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp với chủ nhà?
Về vấn đề này, Luật Nhà ở 2014 quy định hợp đồng thuê nhà do các bên thoả thuận và phải được lập thành văn bản, trong đó có chứa các nội dung gồm họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên; mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó.
Đồng thời, hợp đồng phải thể hiện thời hạn và phương thức thanh toán tiền, thời hạn cho thuê, quyền và nghĩa vụ của các bên, cam kết của các bên; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng…
Hợp đồng thuê nhà không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, trừ khi các bên có nhu cầu.
Điều này có nghĩa, khi đi thuê nhà, người thuê và chủ nhà chỉ cần lập hợp đồng bằng văn bản (không chấp nhận thoả thuận miệng) , khi phát sinh tranh chấp thì vẫn được pháp luật bảo vệ theo nội dung hợp đồng đã ký, không phụ thuộc vào việc đã công chứng hay chưa.
Chủ nhà chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong một số trường hợp
Điều 428 BLDS 2015 và Điều 132 Luật Nhà ở 2014 quy định, trường hợp bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ ba tháng trở lên mà không có lý do chính đáng, hay bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng… thì chủ nhà được thu hồi nhà đang cho thuê.
Ngoài ra, trường hợp chưa hết hạn hợp đồng thuê nhà ở mà bên cho thuê thực hiện cải tạo nhà ở và được bên thuê đồng ý thì bên cho thuê được quyền điều chỉnh giá thuê nhà ở.
Giá thuê nhà ở mới do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và phải bồi thường cho bên thuê.