Chuyên gia nêu công thức giúp một người nhận lương định kỳ cho đến lúc nghỉ hưu hình dung rõ hơn về lộ trình tự do tài chính.
Nhắc tới tài chính nói chung, hay tự do tài chính nói riêng, nhiều người thường nghĩ đến sự giàu có, công việc đầu tư, kinh doanh thành đạt hoặc những mục tiêu lớn về mặt con số.
Nhưng theo tôi, trạng thái tự do dành cho tất cả cá nhân và ngành nghề. Bất cứ ai cũng có thể đạt được tự do tài chính nếu họ hiểu rõ được tình trạng kinh tế của bản thân và có kế hoạch chi tiêu phù hợp, rõ ràng.
Đó cũng là lúc chúng ta đã có thể “tự do” về mặt nhận thức và tinh thần – yếu tố quyết định đến sự hạnh phúc trọn vẹn và lâu dài.
Nhiều bạn trẻ hỏi tôi: Liệu cả đời làm công ăn lương có thể đạt được tự do tài chính?
Đối với tôi, mục tiêu cuối cùng của người trẻ nên là trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình thay vì áp lực bởi sự tự do tiền bạc. Đây chỉ nên là “kép phụ” trong câu chuyện mục đích sống.
Sự tự do về vật chất không cao xa như nhiều người nhầm tưởng. Làm tự do hay công việc được trả lương định kỳ, bạn vẫn có thể đạt tự do tài chính nếu đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cơ bản và biết quản trị rủi ro.
Thế nào là tự do tài chính?
Trên thực tế, mỗi cá nhân sẽ có một chuẩn mực tự do tài chính khác nhau do nhiều yếu tố khách quan tác động.
Nhưng với tôi, trả lời câu hỏi làm cách nào để đạt trạng thái tự do tài chính, tôi đưa ra công thức như sau:
Tự do tài chính = Ổn định + An toàn + Hiệu quả
Trong đó:
- Ổn định là khi bạn luôn duy trì được tính nhất quán trong thu – chi nhằm đáp ứng tất cả nhu cầu cơ bản.
- An toàn là bạn có quỹ dự phòng cũng như khả năng ứng phó khi có rủi ro xảy ra.
- Hiệu quả là khi bạn biết cách phân bổ các danh mục tài sản một cách phù hợp.
Tôi lấy một ví dụ đơn giản về công thức cho tự do tài chính:
Vào năm 2023, bạn có 2,5 tỷ đồng tiền mặt để gửi vào ngân hàng với lãi suất 7%/năm. Mỗi năm, bạn có 150 triệu đồng tiền lãi, sử dụng vừa vặn số tiền này cho việc chi tiêu, xử lý một số rủi ro trong năm. Lúc này, bạn tự do tài chính.
Như vậy, có thể thấy chúng ta không cần khối tài sản khổng lồ để để đạt ngưỡng tự do tiền bạc. Có số tiền vừa phải, nhưng biết tiêu dùng, phân chia phù hợp cho cuộc sống, đồng thời có khoản tích lũy tiếp tục tạo ra thặng dư, đó là lúc bạn đã tự do tài chính rồi.
Công thức trên có vẻ đơn giản, tuy nhiên quả thực không dễ thực hiện, nhất là đối với những người trẻ tuổi. Họ chưa thể chi tiêu một cách nhất quán trong nhiều năm, cũng như chưa có kỹ năng quản trị rủi ro.
Dưới đây, tôi làm rõ từng yếu tố trong công thức tự do tài chính của mình.
1. Ổn định:
Tài chính đơn giản là việc giải quyết bài toán dòng tiền vào và ra. Trong đó, dòng tiền vào phải đáp ứng được nhu cầu chi tiêu trong cuộc sống.
Quản lý tài chính tốt là khi số tiền bạn kiếm được không những đáp ứng được việc tiêu dùng (dòng tiền ra), mà còn phải tạo ra thặng dư để cá nhân tiếp tục phát triển trong tương lai.
2. An toàn (quản trị rủi ro):
Ngoài những nhu cầu cố định để tồn tại và phát triển, cuộc sống của chúng ta không thể nào tránh được bất trắc. Quản trị rủi ro tốt giúp bạn duy trì trạng thái an toàn về mặt tài chính.
Khi tình huống ngặt nghèo xảy đến, bạn cần đưa ra giải pháp cho từng vấn đề để đảm bảo sự ổn định luôn được duy trì.
Các giải pháp cơ bản cho rủi ro có thể liệt kê như sau: bảo hiểm sức khỏe cho rủi ro bệnh tật, bảo hiểm nhân thọ cho rủi ro sinh mạng, tiền gửi ngắn hạn cho những rủi ro mất nguồn thu nhập, quỹ dự phòng cho rủi ro mất khả năng chi trả các khoản nợ, vàng cho rủi ro về thiên tai – chiến tranh – suy thoái kinh tế…
3. Hiệu quả:
Yếu tố cuối cùng trong công thức tự do tài chính là phân bổ các danh mục tài sản một cách hợp lý và làm thế nào để chúng ta luôn tự chủ tài chính khi không còn lao động.
Do sức lao động không thể duy trì được mãi, giải pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề này là đầu tư. Đầu tư giúp chúng ta có tài sản để đáp ứng các nhu cầu về mặt hưu trí khi tình trạng hiện tại và quy mô các quỹ hưu trí tại Việt Nam chưa đủ đáp ứng cho tất cả.
Khi bạn chọn làm công ăn lương cả đời
Như đã nói, dù làm công việc tự do hay làm công ăn lương, chúng ta đều có thể đạt trạng thái tự do tài chính.
Tuy nhiên, đối với nhóm người lao động lựa chọn làm công việc nhận lương định kỳ cho đến khi không còn lao động (nghỉ hưu), tôi có thể phân tích một ví dụ dưới đây:
Giả sử, hiện tại bạn 22 tuổi và bắt đầu đi làm, chưa có nhiều tài sản. Bạn nhận khoản lương trung bình 15 triệu đồng/tháng, nguồn vốn đầu tư hiện 0 đồng. Bạn sinh sống tại thành phố, sinh hoạt hoạt phí 9 triệu đồng/tháng. Bạn xác định sẽ duy trì công việc hiện tại cho đến năm 40 tuổi và sau đó quyết định nghỉ hưu sớm (không còn lao động tạo ra của cải).
Vậy, làm thế nào để bạn đạt được tự do tài chính?
Để trả lời cho bài toán bên trên, chúng ta cần xác định những yếu tố cơ bản như sau:
1. Nhu cầu chi tiêu của bạn ở năm 40 tuổi là bao nhiêu?
Có 2 yếu tố cần giả định:
- Mức chi tiêu của bạn ổn định, ít hoặc không có biến động đáng kể.
- Mức lạm phát kỳ vọng trong suốt 18 năm tới (từ năm 22 đến năm 40 tuổi) là khoảng 6%, bao gồm lạm phát cơ sở 4% và lạm phát lối sống 2%/năm.
Lúc này, công thức chi tiêu ở tuổi 40 = (9 triệu đồng x 12 tháng) x (1+6%)^18 = 342.520.698 đồng.
Trong đó:
- (9 triệu đồng x 12 tháng) là Tổng số tiền bạn cần để chi tiêu trong một năm.
- (1+ % lạm phát)^ số năm tích lũy là Công thức tính lãi kép cho giá trị tương lai.
2. Tổng số tiền bạn cần có để tự do tài chính?
Như vậy, đến năm 40 tuổi, bạn cần 342.520.698 đồng/năm dành cho việc sinh hoạt cơ bản.
Vậy, ở hiện tại (22 tuổi), bạn cần bao nhiêu tiền để gửi ngân hàng (phương pháp đầu tư an toàn, lợi nhuận 7%/năm) để đạt được thặng dư bằng với con số chi tiêu nói trên?
Lúc này, tổng tài sản cần thiết để tự do tài chính = 342.520.698 / 7% = 4.893.152.834 VNĐ.
Nói một cách dễ hiểu hơn: Bạn cần khoảng gần 5 tỷ đồng, gửi ngân hàng với lãi suất 7% để có được 342 triệu đồng tiền lãi mỗi năm nhằm chi tiêu nhu cầu cá nhân và quản trị rủi ro.
3. Số tiền đầu tư mỗi năm trong 18 năm tới là bao nhiêu?
Nhưng hiện tại (22 tuổi), bạn chỉ có mức lương tháng 15 triệu đồng, chi tiêu 9 triệu đồng/tháng và tích lũy được 6 triệu đồng/tháng để đi đầu tư (tương đương 72 triệu đồng/năm).
Giả định, thu nhập của bạn tăng 4%/năm trong 18 năm tới. Số tiền để đầu tư của bạn vào năm 40 tuổi sẽ là:
72 triệu đồng x (1+4%)^18 = 145 triệu đồng.
Để tính bình quân số tiền bạn cần đầu tư mỗi năm, ta lấy: (72 triệu đồng + 145 triệu đồng) / 2 = 108 triệu đồng.
Hiểu đơn giản, trong vòng 18 năm, mỗi năm, bạn cần đầu tư 108 triệu đồng.
4. Tổng số tiền bạn sẽ có với tình trạng tài chính hiện tại?
Giả sử, bạn có khả năng tăng tài sản bình quân 10% mỗi năm trong 18 năm tới.
Theo công thức lãi kép từ ngân hàng, ta có A = P*(1 + r)^n
Trong đó:
- A là số tiền mà bạn nhận được trong tương lai.
- P là số tiền gốc bạn bỏ ra để đầu tư ban đầu.
- r là lãi suất hàng năm.
- n là số chu kỳ thực hiện lãi kép.
Tổng tài sản thực tế ở năm 40 tuổi của bạn sẽ bằng = (6 triệu đồng x 12 tháng)x (1+7%)^18 = 4.924.710.699 đồng.
So sánh (4) và (2), ta có thể thấy bạn hoàn toàn có thể đạt được trạng thái tự do tài chính.
Tuy nhiên, bài toán bên trên chỉ là một ví dụ cơ bản, ở điều kiện lý tưởng để chúng ta trả lời cho câu hỏi về sự khả thi đối với mong muốn tự do tài chính của một người làm công ăn lương với mức lương trung bình 15 triệu đồng/tháng.
Vấn đề ở đây tôi cần các bạn xác định rõ:
- Liệu với 9 triệu đồng/tháng, bạn có thật sự đáp ứng được 2 nhu cầu chi tiêu cơ bản và quản trị rủi ro hay không?
- Và hiệu suất tăng tài sản bình quân 10%/ năm trong suốt 18 năm có là khả thi hay không?
Theo tôi, tài chính là một con đường dài. Do đó, thế hệ trẻ cần gạt bỏ hết những tư duy về sự giàu có, các con số không cần thiết và không phù hợp với con người, mục tiêu mà bạn đang hướng đến.
Rõ ràng, những thống kê thực tế về sự tăng trưởng của các loại tài sản cũng như bài toán lãi kép cho thấy rằng chúng ta luôn có thể đạt được những mục tiêu tích cực trong dài hạn mà vẫn có thể đáp ứng những nhu cầu cuộc sống trong ngắn hạn.
Tôi xin nhắc lại, tự do tài chính là một trạng thái chứ không phải một cột mốc phải đạt được bằng mọi giá.
Zing News
Nguồn TẠI ĐÂY