Ngày 19-12, trong ngày làm việc tiếp theo phiên xét xử Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo khác trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, viện kiểm sát đã đề nghị mức án với các bị cáo.
Ngày 19-12, phiên xét xử vụ án Alibaba bước sang phần tranh luận với phần luận tội đối với Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo của Viện kiểm sát Tp.HCM.
Chỉ Nhà nước mới có quyền chuyển đổi mục đích sử dụng và tách thửa đất
Mở đầu bài luận tội, đại diện Viện KSND TP.HCM khẳng định: đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do Nhà nước quản lý, chỉ Nhà nước mới có quyền quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tách thửa. Nhưng thời gian qua nhiều công ty đã lợi dụng chính sách đầu tư đất đai để đưa ra thông tin gian dối, tự phân lô, tách thửa để lừa dối các khách hàng để bán đất chưa đủ điều kiện cho khách hàng.
Theo đó, để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và 22 pháp nhân khác để người thân và nhân viên đứng tên. Các bị cáo đã dùng phần lớn tiền chiếm đoạt của khách hàng mua đất nông nghiệp và giao cho người thân hoặc nhân viên thân tín đứng tên; các cá nhân đứng tên trên quyền sử dụng đất nông nghiệp mới mua ủy quyền lại cho 22 pháp nhân đăng ký kinh doanh bất động sản để tự vẽ dự án, phủ màu, phân lô tách thửa trái quy định của pháp luật.
Sau khi tự vẽ xong dự án, Luyện chỉ đạo các pháp nhân này ủy quyền cho Công ty Alibaba để công ty này phân phối đất nền đến khách hàng.
Nhiều bị hại tiếp tục đến tòa
Mặc dù TAND TP.HCM đã kết thúc phần xét hỏi và chấm dứt việc tiếp nhận hồ sơ mới, cập nhật số thiệt hại mới của các bị hại nhưng sáng 19-12, nhiều bị hại vẫn tiếp tục đến tòa để nộp hồ sơ mới. Trong số hàng chục bị hại tới tòa, có chị Nguyễn Thị Thủy (Bạc Liêu) đi xe đò lên tòa.
Chị Thủy cho biết chị không được mời đến tòa làm việc, cũng không nhận được thông tin gì về việc xét xử dù đã nộp đơn cho Cơ quan điều tra Công an Tp.HCM. Do có người em làm nhân viên bên Công ty Alibaba báo cho biết hôm nay tòa xử nên chị lật đật lên TAND Tp.HCM để khai báo. Tuy nhiên, do đã kết thúc phần xét hỏi và ngừng cập nhật hồ sơ mới nên chị Thủy không thể tiếp tục nộp hồ sơ.
Trong số hàng chục bị hại đến tòa sáng nay, có rất nhiều người đã nộp đơn tố cáo tại Công an Tp.HCM nhưng không nhận được giấy mời dự tòa, sau khi thư ký phiên tòa kiểm tra thì thấy nhiều người có tên trong danh sách bị hại. Một số người cho biết do thay đổi chỗ ở hoặc địa chỉ khai báo khi đến làm việc tại cơ quan điều tra nhưng không ghi cụ thể nên có thể thư không tới tay bị hại, nhưng “có tên trong danh sách bị hại là mừng rồi”.
Trong khi đó, một bị hại đến từ tỉnh Hậu Giang, đi xe đò từ đêm qua lại buồn thiu vì không có tên trong danh sách. Trước đó bị hại này đã gửi đơn đến Công an Tp.HCM qua đường bưu điện nhưng có lẽ hồ sơ đến trễ nên HĐXX chưa kịp cập nhật danh sách.
Có bị hại nêu ý kiến: nhiều người đã cung cấp hồ sơ nhưng không biết mình có tên trong danh sách bị hại không, đề nghị trong thời gian xét xử, HĐXX dán danh sách các bị hại ở khu vực có thể theo dõi để người dân yên tâm, mà cũng không phải phiền đến thư ký làm việc.
Khi bắt đầu phiên tòa, chủ tọa Trần Minh Châu cho biết tòa đã nhận được đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho nhiều bị cáo. Trong đó, vợ bị cáo Nguyễn Văn Kiên đã nộp các bằng chứng xin giảm nhẹ trách nhiệm hình phạt và đề nghị được chuyển số tiền gia đình đã mua dự án của Alibaba thành tiền khắc phục hậu quả.