Khi bạn đầu tư như chứng khoán, bất động sản,… thì luôn có những cung bậc cảm xúc khác nhau tùy theo từng kết quả đầu tư, tùy theo thời điểm. Dưới đây là một số cung bậc cảm xúc mà các nhà kinh tế học đã đưa ra, và bạn xem mình có rơi vào một trong những tình huống sau không nhé.
Khi bạn hiểu được nó sẽ giúp ích bạn rất nhiều trong việc ra quyết định đầu tư có thể mang lại lợi ích bất ngờ:
1. Nghi ngờ
Đây là giai đoạn cổ phiếu bắt đầu tăng nhẹ sau thời gian dài tích lũy. Nhiều nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu ở vùng giá này tuy nhiên còn nghi ngờ, không biết mã cổ phiếu có thực sự tăng giá hay chỉ là nhịp hồi ngắn hạn. Do đó, nhiều nhà đầu tư chần chừ chưa mua cổ phiếu ở giai đoạn này mà tiếp tục quan sát xu hướng.
2. Hi vọng
Một vài nhà đầu có kinh nghiệm sẽ nhận ra xu hướng tăng của thị trường theo chu kỳ, đặc biệt những mã cổ phiếu theo dõi trước đó. Lúc này, nhà đầu tư bắt đầu mua vào các cổ phiếu có tiềm năng và hy vọng nó sẽ tăng giá trong tương lai gần.
3. Lạc quan
Thanh khoản thị trường tăng được xác minh bởi khối lượng giao dịch lớn trong ngày. Lực mua áp đảo. Giá cổ phiếu tăng nhanh. Điều này càng thu hút dòng tiền. Nhà đầu tư vô cùng lạc quan với các triển vọng sắp tới của doanh nghiệp. Đây cũng là giai đoạn đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư mới (F0) tham gia thị trường
4. Niềm tin
Lúc này, những người mua cổ phiếu trước đó đã có lợi nhuận, nhưng họ tiếp tục kỳ vọng vào sự tiềm năng của doanh nghiệp cũng như cổ phiếu doanh nghiệp đó trong tương lai. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đổ thêm tiền vào danh mục của mình, mua thêm cổ phiếu.
5. Cảm xúc
Thông thường trong giai đoạn này, nhiều tin tức hỗ trợ được đưa ra, mang lại cảm xúc tích cực cho nhà đầu tư. Thực tế, chứng khoán là phản ánh tương lai. Những tin tích cực này chính xác đã được phản ánh vào giai đoạn lạc quan từ trước đó. Giai đoạn này tiếp tục thu hút dòng tiền và gia tăng số lượng nhà đầu tư mới.
6. Hưng phấn
Từ cảm xúc chuyển sang hưng phấn là rất nhanh. Khi đạt được mức lợi nhuận vượt cả kỳ vọng, nhiều nhà đầu tư cảm thấy tự tin vào khả năng đầu tư của mình. Không ít nhà đầu tư dồn toàn bộ số tiền có được và dùng đòn bẩy (ký quỹ hay còn gọi margin) để đầu tư nhiều hơn.
Một số nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ nhận ra đây là đỉnh sóng và thực hiện chốt lãi.
7. Thỏa mãn
Thị trường bắt đầu có dấu hiệu đi ngang, nhưng đa số nhà đầu tư F0 không nhận ra được vì đang thỏa mãn với lợi nhuận có được một cách nhanh chóng. Tin tức hỗ trợ vẫn còn, do đó dòng tiền tiếp tục chảy vào chứng khoán. Nhà đầu tư mua cổ phiếu ở giai đoạn này thường rơi vào tình trạng “đu đỉnh”.
8. Lo ngại
Thị trường bắt đầu xu hướng giảm, tài khoản của nhiều nhà đầu tư cũng giảm theo. Tâm lý lo lắng dần xuất hiện, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chưa dám đưa ra quyết định với danh mục của mình.
9. Từ chối
Tài khoản âm, mức lỗ ngày một tăng, nhưng nhà đầu tư không muốn cắt lỗ vì họ không tin thị trường đang bước vào giai đoạn phân phối. Nhà đầu tư vẫn tin vào khả năng hồi của thị trường sau vài nhịp điều chỉnh.
10. Sợ hãi
Giá cổ phiếu rơi vào đà giảm nhiều phiên liên tiếp, nếu tăng thì chỉ tăng nhẹ một phiên rồi lại quay đầu giảm sâu tiếp. Nhà đầu tư bắt đầu lo sợ khi số vốn bỏ ra bị hao hụt từng ngày.
11. Tuyệt vọng
Tài khoản âm thậm chí quá nửa, lỗ hơn 50%. Lúc này cắt lỗ cũng không còn ý nghĩa, nhà đầu tư rơi vào tuyệt vọng, chỉ mong mỏi được hòa vốn (về bờ).
12. Hoảng loạn
Thị trường bước vào giai đoạn xuống giá (thị trường con gấu). Nhiều tài khoản bị gọi ký quỹ (call margin) rồi bán giải chấp dẫn đến tâm lý hoảng loạn đối với nhiều nhà đầu tư.
13. Bán tháo
Vì hoảng loạn, nhiều nhà đầu tư bắt đầu bán tháo cổ phiếu bất chấp mức giá thấp. Chính điều này càng khiến cho thị trường xuống giá hơn.
14. Thất vọng
Thị trường tiếp tục chuỗi ngày giảm điểm. Nhà đầu tư cảm thấy không còn hi vọng về bờ. Tâm trạng trở nên tiêu cực. Nhiều người bất mãn có thái độ và lời lẽ không hay về doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp và thị trường. Họ cho rằng thị trường chứng khoán là canh bạc, không phải kênh đầu tư.
15. Rời bỏ thị trường
Mất niềm tin vào thị trường, nhà đầu tư có tâm lý ân hận, hối tiếc và tự hứa sẽ không bao giờ “chơi” chứng khoán nữa. Thanh khoản thị trường lúc này gần như cạn kiệt vì không còn ai mua và nhà đầu tư cũng không còn bán ở giá thấp nữa.
16. Mất niềm tin
Thị trường chứng khoán không còn là một kênh đầu tư yêu thích. Dòng tiền dần chuyển sang các kênh đầu tư khác an toàn hơn như gửi tiết kiệm. Nhà đầu tư mất niềm tin hoàn toàn vào chứng khoán.
Nếu là nhà đầu chuyên nghiệp, giai đoạn 15 và 16 sẽ là thời điểm lý tưởng để “bắt đáy”, khởi đầu cho giai đoạn nghi ngờ.