Muốn không bị mất thêm một khoản phí cho ‘cò’ (môi giới, các văn phòng bất động sản), gia chủ cần nắm được điểm này khi bán nhà.
Để giúp người bán nhà nắm được mẹo mua bán nhanh chóng, anh Trần M. Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) – một môi giới bất động sản lâu năm – chia sẻ, việc đầu tiên người bán nhà cần làm là đăng tin trên các trang mua bán bất động sản uy tín.
Ngoài ra, chủ nhà cũng nên chủ động gửi thông tin theo nhiều kênh như bạn bè, hàng xóm, thậm chí các quán trà đá gần nhà. Tiếp đó, người bán nên treo biển bán nhà với kích thước lớn trước cửa, dán thông tin bán nhà ở các bảng tin hoặc vị trí có đông người qua lại.
Đặc biệt, theo anh Thắng, người bán nhà nên quay video ngôi nhà của mình, đường đi, các phòng và nói rõ cấu trúc nhà. Các video này có thể đăng tải lên các trang mạng xã hội, thậm chí kênh youtube để người xem tham khảo.
“Việc quay video sẽ hỗ trợ thông tin tối đa cho khách hàng, tránh trường hợp khách đến xem nhà không ưng lại mất thời gian của hai bên. Chủ nhà sẽ rất mất thời gian nếu phải tiếp hàng chục khách như thế mỗi ngày“, anh Thắng nói.
Hơn nữa, theo người môi giới này, các khách đã xem video sẽ hình dung được 60-70% về ngôi nhà. Nếu họ vẫn tới xem tận nơi thì đều là những người thiện chí mua. Việc quay video như một cái phễu, giúp người bán lọc được khách mua.
Để tăng uy tín trong mua bán, anh Thắng chia sẻ thêm kinh nghiệm, nếu nhà có sổ đỏ, người bán nên quay thêm trang thứ 3 có sơ đồ thửa đất. Ngoài ra, chủ nhà cũng có thể cung cấp mã số sổ đỏ để khách quan tâm kiểm tra thông tin.
“Với từng đó thông tin, các đối tượng xấu chưa đủ cơ sở để làm giả sổ. Người bán cũng tạo được sự tin tưởng về tính minh bạch, nhờ đó dễ dàng bán nhà hơn“, anh Thắng nói.
Cũng theo anh Thắng, khi tìm được khách đồng ý mua và chuẩn bị đặt cọc, nếu không có kinh nghiệm mua bán thì chủ nhà nên mời nhân viên công chứng tới làm hợp đồng. Các công chứng viên sẽ giúp khách hàng kiểm tra giấy tờ trước khi giao dịch để tiết kiệm thời gian và hiệu quả cho cả hai bên.
Hơn nữa, theo nhân viên môi giới này, công chứng viên cũng sẽ giúp người bán đưa các điều khoản chặt chẽ vào trong hợp đồng.
Trường hợp, người mua yêu cầu giữ lại một khoản tiền cọc, sau khi làm xong sổ đỏ sẽ trả lại. Anh Thắng cho biết, người bán nên thay khoảng tiền đó bằng cách người mua đóng giúp tiền thuế thu nhập cá nhân (bằng 2% giá chuyển nhượng bất động sản nhà, đất).
“Tôi đã gặp nhiều trường hợp, khách mua đã nhận nhà, đã làm xong sổ nhưng 1-2 năm sau mới trả số tiền cọc tạm giữ của chủ cũ. Nếu yêu cầu khách mua đóng thuế thu nhập cá nhân và là một điều khoản ghi sẵn trong hợp đồng thì người bán có thể tránh được những rắc rối không đáng có này“, anh Thắng cho hay.
* Thông tin chỉ mang tính tham khảo
Theo Thương hiệu & Pháp luật