Trong bối cảnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia cho rằng các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, là những thị trường được hưởng lợi nhiều nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC).
Việt Nam – điểm đến mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Ông Simon Smith, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Khu vực APAC của Savills cho biết: “Theo Oxford Economics, trong giai đoạn 2021 – 2035, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có mức tăng trưởng việc làm ngành sản xuất lớn nhất khu vực, với mức tăng 4 triệu người”.
Theo cuộc khảo sát mới đây do Cushman & Wakefield, Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và nhì trong nhóm các thị trường mới nổi. Cụ thể, Việt Nam sở hữu những điều kiện mang lại cơ hội đầu tư tốt như lực lượng lao động dồi dào, tiềm năng tăng trưởng việc làm tốt, sự mở rộng trong lĩnh vực sản xuất, thể hiện rõ qua kỷ lục về nguồn vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua.
Về vị trí, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (NKEZ) và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (SKEZ) đã thu hút khoảng 66% tổng vốn FDI đăng ký mới và 78% tổng vốn FDI cam kết. Là vùng kinh tế hàng đầu Việt Nam, SKEZ trải dài trên khắp TP.HCM và 7 tỉnh thành lân cận. Với thế mạnh từ vị trí Tp.HCM – trung tâm kinh tế của Việt Nam và Cát Lái – cảng lớn nhất Việt Nam, nguồn cung lao động có tay nghề cao từ các cơ sở giáo dục tốt và điều kiện đầu tư thuận lợi, SKEZ trở thành trung tâm công nghiệp truyền thống với cơ sở sản xuất đa dạng.
Đồng Nai sẵn sàng nguồn lực đón vốn đầu tư nước ngoài
Khoảng 30 năm trở lại đây, Đồng Nai luôn nằm trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trong nước và FDI. Theo đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 8 tháng năm 2022 của tỉnh Đồng Nai đạt khoảng 656 triệu USD, trong đó, có 28 dự án cấp mới với vốn đăng ký hơn 343 triệu USD và 57 dự án tăng bổ sung 313 triệu USD. Lũy kế đến ngày 22/8/2022, tỉnh Đồng Nai có 1.545 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn 32,74 tỷ USD.
Các ngành chức năng tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, như: Công nghệ cao Long Thành; Thạnh Phú; Sông Mây; Hố Nai. Đồng thời, đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục thành lập các khu công nghiệp mới với diện tích hơn 6.500ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có quỹ đất công nghiệp lớn cho nhà đầu tư. Trong giai đoạn tới, tỉnh Đồng Nai sẽ ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ hiện đại, lĩnh vực thương mại dịch vụ, logistics, hàng phụ trợ…
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, khoảng 5 năm trở lại đây, sản xuất, xuất khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng liên tục giữ được mức tăng trưởng khá, qua hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng máy móc, thiết bị và phụ tùng, sản xuất linh kiện cho các loại xe ô tô, máy bay, tàu vũ trụ, tàu thủy, máy móc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp…. Bên cạnh đó, với sự phát triển từ hạ tầng, đặc biệt là sức hút của sân bay quốc tế Long Thành, ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến tìm hiểu cơ hội làm ăn tại địa phương.
Bất động sản Đồng Nai, Bình Dương, Long An,… hưởng lợi từ chuỗi cung ứng
Cùng với dòng chảy của bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở, thương mại, dịch vụ trong cụm các khu công nghiệp sẽ ngày càng gia tăng. Theo ước tính,các tỉnh như Đồng Nai, Long An, Bình Dương,…đang có hàng ngàn chuyên gia, lao động và nhu cầu nhà ở là rất lớn. Do đó, phát triển dự án nhà ở kèm tiện ích, dịch vụ trong lõi khu công nghiệp trở thành điểm đón đầu của nhiều doanh nghiệp.