Giữa làn sóng cạnh tranh gay gắt trên thị trường bất động sản, rộ lên xu hướng môi giới đua nhau cắt hoa hồng cho khách, chuyên gia cảnh báo nhiều hệ lụy phía sau.

‘Cắt cạn máu’ để giữ khách
Nói về xu hướng “cắt máu” này, anh Trần Ngọc Giao, một môi giới nhà đất chuyên bán chung cư tại Hà Nội, chia sẻ câu chuyện của chính mình vì đã đua theo đám đông với mong muốn giữ được chân khách hàng. Anh kể, từ sau COVID-19, thị trường bất động sản chưa phá nổi băng khiến công việc môi giới ngày càng khó khăn, khách mua không dễ mời chào như trước. Trong khi đó, lượng môi giới vẫn rất đông đúc, từ người không chuyên đến đội ngũ chuyên nghiệp, khiến áp lực cạnh tranh vô cùng lớn.
Thời gian gần đây, anh được đồng nghiệp truyền tai nhau chiêu cắt bớt “hoa hồng” cho khách để mời mọc khách mua, kiếm được doanh số. “Chúng tôi gọi vui với nhau đó là “cắt máu”. Khách hàng bây giờ có rất nhiều kênh để tìm môi giới nên gặp mối nào có lợi hơn thì họ sẽ hợp tác với người đó. Vì thế, việc lấy lòng khách là rất quan trọng“, anh Giao nói.
Vậy là khoảng 1 năm gần đây, với mỗi căn hộ bán được, thay vì hưởng mức hoa hồng dự kiến 1%, khoảng 30 – 40 triệu đồng thì anh Giao chấp nhận cắt gần hết cho người mua, anh chỉ giữ lại vài triệu đồng. “Để cạnh tranh với đối thủ, tôi thường cắt cho khách khoảng 70%, tức là khoảng 25 – 30 triệu đồng, số tiền còn lại trừ chi phí tự chạy marketing, tôi chỉ còn vài triệu đồng đút túi. Mặc dù rất xót tiền và tiếc công nhưng nếu không như thế, khách sẽ mua qua môi giới khác và tôi không thể xây được tệp khách hàng cho riêng mình để làm nghề lâu dài được”, anh kể lại.
Thời gian đầu, anh Giao cố gắng để duy trì cuộc sống với hy vọng làm lâu sẽ có thêm kinh nghiệm và tệp khách hàng tiềm năng, từ đó bán được nhiều căn hộ hơn. Tuy nhiên, chưa kịp đến ngày đó thì anh Giao đã không thể xoay xở với mọi khoản chi cho cuộc sống, khi mà thu nhập chỉ 5 – 10 triệu đồng/tháng. Cuối cùng, anh đã quyết định bỏ nghề để chuyển sang công việc chạy Grab bớt áp lực cạnh tranh và có thu nhập đều đặn hơn.
“Có thể người bên ngoài nhìn vào nghĩ rằng chúng tôi kiếm tiền rất dễ, chỉ cần tìm được khách mua nhà là có ngay vài chục triệu. Nhưng ít ai biết được “sóng ngầm” trên thị trường và những góc khuất đầy vất vả, căng thẳng của nghề môi giới bất động sản, trong đó có cả những chiêu trò cạnh tranh thiếu lành mạnh nhưng nếu không lao theo thì cũng không trụ nổi. Ví dụ chỉ có một khách muốn mua căn hộ ở dự án này nhưng có đến mấy môi giới săn đón. Từ đó nảy sinh việc môi giới đua nhau hứa hẹn cắt hoa hồng lại cho khách để tranh giành khách với nhau. Ai đứng ngoài cuộc chơi thì rất khó cạnh tranh nổi. Không ít người thời gian dài không “săn” được khách cũng đã phải nghỉ việc“, anh chia sẻ.
Chị Ngô Lệ Thủy – môi giới chuyên bán nhà đất thổ cư tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) – cũng là nạn nhân của làn sóng “cắt máu” này. Chị Thủy kể đã có lần chị chốt được với khách một sản phẩm. Tuy nhiên, đến ngày đặt cọc, khách dù đến công ty song lại không làm việc với chị Thủy mà chuyển sang hợp tác với môi giới khác. Tìm hiểu sự việc, chị Thủy mới ngã ngửa khi được biết môi giới này ngoài các chính sách, chiết khấu của công ty còn sẵn sàng tặng khách thêm 30 triệu đồng làm quà nhà mới.
“Tôi rất sốc, vì căn hộ khoảng 4 tỷ đồng, hoa hồng cho môi giới là 1%, tương đương 40 triệu đồng. Vậy mà môi giới kia sẵn sàng cắt lại 30 triệu đồng để tranh giành khách với tôi, khiến tôi trở tay không kịp. Vậy là bao công sức mời chào, tư vấn của tôi đổ sông bể hết mà cũng không biết kêu ai. Phàn nàn với đối thủ thì họ nói sao tôi không chịu làm như họ“, chị Thủy nói.
Từ lần đó, chị Thủy mới nhận ra là để cạnh tranh nhau, các môi giới sẵn sàng giảm lợi nhuận. “Công ty tôi ngoài trả hoa hồng 1% trên tổng giá trị căn hộ thì còn có lương và thưởng. Nếu mỗi tháng bán được trên 5 sản phẩm thì sẽ có mức lương cứng 15 triệu đồng và cuối năm bán được hơn 40 sản phẩm thì sẽ được thưởng Tết 100 triệu đồng. Chính vì vậy, nhiều môi giới sẵn sàng “cắt máu” sâu, thậm chí cắt cạn máu, miễn chốt được khách“, chị Thủy cho hay.
Không chấp nhận nổi sự cạnh tranh khốc liệt và không lành mạnh này, chị Thủy cũng đành phải bỏ nghề. “Dù biết là họ giảm chính lợi nhuận của mình chứ không lấy tiền của người khác nhưng theo tôi đó vẫn chỉ là chiêu trò và tác động tiêu cực đến nhiều môi giới khác” chị Thủy nhận xét.
Nhiều hệ lụy khó lường
Nhận định về làn sóng “cắt máu” sâu của môi giới bất động sản, các chuyên gia cảnh báo điều này không chỉ khiến thu nhập của chính họ và đồng nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng mà còn khiến khách hàng dễ rơi vào tình trạng “tham bát bỏ mâm”.
Theo VTCNews
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm :
Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, CafeL.xyz không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. CafeL.xyz chỉ cung cấp thông tin này như một kênh tham khảo thêm dành cho các độc giả!