Các chuyên gia cho rằng, vướng mắc nhất hiện nay là do định giá đất. Việc áp dụng bảng giá đất sát với thị trường hơn có thể làm tăng chi phí sử dụng đất, tăng giá đất, giá bán, giá cho thuê bất động sản so với bảng giá đất cũ.
Tại Diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản và trao chứng nhận Dự án đáng sống 2024 do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp vừa tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho biết, khi ông trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, họ rất ưa thích thị trường bất động sản Mỹ, Đài Loan và Việt Nam.
Theo ông Hiệp, sở dĩ họ thích thị trường Việt Nam là do nước ta có dân số đông, khoảng 100 triệu người; Việt Nam đang chuyển đổi từ quốc gia nông nghiệp sang công nghiệp, nhu cầu đô thị hoá lớn.
“Từ nay đến năm 2030 có khoảng 20 triệu dân từ khu vực nông thôn di cư ra khu vực thành thị. Vì vậy, nhu cầu nhà ở tại các đô thị tăng nhanh. Điều này giải thích tại sao cầu nhà ở rất lớn” ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, thị trường bất động sản đóng góp 17% cho GDP cả nước, liên quan đến hơn chục ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế. Phát triển bất động sản gắn liền với phát triển nền kinh tế, phát triển đô thị. Do vậy, phát triển thị trường bất động sản bền vững luôn được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, nhất là trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Điểm nổi bật, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp là Quốc hội sắp tới sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết tháo gỡ điểm nghẽn đó là cho phép chuyển đổi đất khác thành đất ở. Tuy
Để phát triển bền vững thị trường bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho rằng, cần giải quyết các vấn đề liên quan đến 2 khâu người bán và người mua. Tuy nhiên, hiện nay bên bán có hàng nhưng không có người mua thì thị trường khó có thể phát triển bền vững.
Để người dân có nhu cầu mua nhà, các nhà đầu tư cần tính toán, cân đối để có mức giá bán hợp lý, phải điều chỉnh giá thị trường từ chính sách thuế, nhưng như thế nào là giá thị trường thì chưa lý giải được.
Ông Hiệp cho biết, Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có quy trình định giá đất, đây cũng là điểm nghẽn cần được tháo gỡ.
Thực tế hiện nay, một số dự án đang ách tắc cũng từ điểm nghẽn này, có dự án xây dựng xong nhưng không có định giá, không bán được, thậm chí, có khu vực giá đất ở 2 thời điểm cách nhau 6 tháng đã tăng gấp đôi.
“Tại sao Nhà nước không kiểm soát giá, định giá. Có những dự án chung cư giá cao quá lên tới 500 triệu đồng/m2, cao một cách phi lý. Nhưng khi kiểm tra do cao từ giá đất, giá đất chiếm 40% giá thành xây dựng. Như vậy điều chỉnh thị trường cả người mua và bán thì mới phát triển bền vững”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, cho rằng hiện nay, việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường là điểm mới quan trọng nhất, tạo điều kiện để định giá đất sát với giá thị trường, tháo gỡ bất cập giá đất nhất là hiện tượng hai giá, làm cơ sở cho đền bù, giải phóng mặt bằng, nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, xác định giá bất động sản, tính toán chi phí – hiệu quả đầu tư dự án, quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan…
Tuy nhiên, ông Lực cũng nhấn mạnh rằng việc áp dụng bảng giá đất sát với thị trường hơn có thể làm tăng chi phí sử dụng đất, tăng giá đất, giá bán, giá cho thuê bất động sản so với bảng giá đất cũ.
“Dự kiến, sau khi bảng giá đất chính thức được thực thi vào năm 2026, bảng giá đất tại một số địa phương có thể tăng 2-7 lần so với bảng giá đất hiện tại”, TS Cấn Văn Lực nói.
Theo Nhịp sống Thị trường
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm :
Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, CafeL.xyz không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. CafeL.xyz chỉ cung cấp thông tin này như một kênh tham khảo thêm dành cho các độc giả!