Theo quy hoạch, tỉnh Hà Nam dự kiến sẽ thành lập mới 14 khu công nghiệp với quy mô tổng diện tích khoảng gần 3.500 ha.
Theo thông tin từ Cổng thông tin Chính phủ ngày 21.11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1439/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III, phía Đông đường cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình (tỉnh Hà Nam) đã cho thấy tiềm năng phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, dự án có tổng vốn đầu tư 2.320 tỉ đồng, quy mô sử dụng đất là 223 ha, thực hiện tại các phường Yên Bắc, Tiên Nội, Hòa Mạc, các xã Tiên Ngoại, Yên Nam và thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam).
Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Taseco với vốn góp 348,041 tỉ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Liên quan đến thông tin này, ông Trần Văn Kiên – Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Hà Nam – cho biết, Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 2.500ha. Trong đó, tỉ lệ đất công nghiệp chiếm trên 70%, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, đến nay tỉ lệ lấp đầy đạt trên 80%.
Thời gian qua, tỉnh Hà Nam tích cực triển khai các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, chủ động chuẩn bị hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hiện đại nhằm tạo môi trường hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư, lao động đến làm việc tại tỉnh.
Đáng chú ý, tại dự thảo hồ sơ quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có, tỉnh Hà Nam dự kiến sẽ thành lập mới 14 khu công nghiệp với quy mô tổng diện tích khoảng gần 3.500 ha, thành lập mới 14 cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 805 ha.
Tỉnh cũng sẽ huy động các nguồn lực tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng logistics, các công trình, dự án giao thông kết nối khu công nghiệp, hạ tầng cảng thủy nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo ông Trương Quốc Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã có nhiều giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Trong đó, tỉnh tập trung vào một số cơ chế chính sách như đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, tập trung giải phóng mặt bằng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Từ đó rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn theo hướng khai thác lợi thế hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics.
Theo Báo Lao động