UBND tỉnh Hải Dương dự kiến tên mới của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh sau khi thực hiện sắp xếp.
Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của UBND tỉnh Hải Dương vừa trình Bộ Nội vụ, dự kiến các đơn vị hành chính cấp xã trong tỉnh sau khi thực hiện sắp xếp sẽ lấy tên mới như sau:
Huyện Bình Giang
Cụ thể, ở huyện Bình Giang, xã Bình Minh sáp nhập xã Thái Học, lấy tên mới là xã Thái Bình, trụ sở đặt tại UBND xã Thái Học (cũ).
Huyện Thanh Hà
- Xã Việt Hồng sáp nhập với xã Cẩm Chế, lấy tên xã mới là Cẩm Việt, trụ sở làm việc đặt tại UBND xã Cẩm Chế (cũ).
- Xã Thanh Xá sáp nhập với xã Thanh Thủy, lấy tên mới là xã Thanh Tân, trụ sở làm việc đơn vị hành chính mới đặt tại UBND xã Thanh Thủy (cũ).
- Xã Vĩnh Lập sáp nhập với xã Thanh Cường, lấy tên mới là xã Vĩnh Cường, trụ sở mới tại UBND xã Thanh Cường (cũ).
- Xã Thanh Khê sáp nhập thị trấn Thanh Hà, lấy tên mới là thị trấn Thanh Hà, trụ sở mới tại UBND thị trấn Thanh Hà hiện nay.
Huyện Kim Thành
- Xã Cổ Dũng sáp nhập xã Thượng Vũ lấy tên mới là xã Vũ Dũng, trụ sở làm việc tại UBND xã Cổ Dũng (cũ).
- Xã Cộng Hòa sáp nhập xã Lai Vu, tên mới là xã Lai Khê, trụ sở làm việc tại UBND xã Cộng Hòa (cũ).
- Xã Bình Dân sáp nhập xã Liên Hòa, tên mới là Hòa Bình, trụ sở mới tại UBND xã Bình Dân (cũ).
- Xã Phúc Thành và một phần thôn Quỳnh Khê (xã Kim Xuyên) sáp nhập với thị trấn Phú Thái, tên mới là thị trấn Phú Thái, trụ sở tại UBND thị trấn Phú Thái hiện nay.
Huyện Ninh Giang
- Xã Hồng Phúc sáp nhập với xã Kiến Quốc lấy tên mới là Kiến Hồng, trụ sở làm việc tại UBND xã Hồng Phúc (cũ).
- Xã Vạn Phúc sáp nhập xã Hồng Đức lấy tên mới là Đức Phúc, trụ sở mới tại UBND xã Hồng Đức (cũ).
- Xã Đông Xuyên sáp nhập xã Ninh Hải lấy tên mới là Bình Xuyên, trụ sở tại UBND xã Đông Xuyên (cũ).
- Xã Đồng Tâm sáp nhập thị trấn Ninh Giang, lấy tên mới là thị trấn Ninh Giang, trụ sở mới tại UBND thị trấn Ninh Giang hiện nay.
Huyện Tứ Kỳ
- Xã Ngọc Kỳ sáp nhập xã Tái Sơn, lấy tên xã mới là Kỳ Sơn, trụ sở tại UBND xã Tái Sơn (cũ).
- Xã Quảng Nghiệp sáp nhập xã Dân Chủ, tên mới là Dân An, trụ sở tại UBND xã Quảng Nghiệp (cũ).
- Xã Phượng Kỳ sáp nhập xã Cộng Lạc, tên mới là xã Lạc Phượng, trụ sở mới tại UBND xã Cộng Lạc (cũ).
Huyện Nam Sách
- Xã Nam Trung sáp nhập xã Nam Chính, lấy tên mới là Trần Phú, trụ sở tại UBND xã Nam Trung (cũ).
- Xã Phú Điền sáp nhập xã An Lâm lấy tên là An Phú, trụ sở tại UBND xã An Lâm (cũ).
- Xã Thanh Quang sáp nhập xã Quốc Tuấn, tên mới là xã Quốc Tuấn, trụ sở tại UBND xã Thanh Quang (cũ).
- Xã Nam Hồng sáp nhập thị trấn Nam Sách, lấy tên mới là thị trấn Nam Sách, trụ sở đặt tại UBND thị trấn Nam Sách hiện nay.
Huyện Gia Lộc
- Xã Tân Tiến sáp nhập với xã Gia Lương, lấy tên mới là Gia Tiến, trụ sở đặt tại UBND xã Gia Lương (cũ).
- Xã Gia Tân sáp nhập với xã Gia Khánh, lấy tên mới là Gia Phúc, đơn vị hành chính mới đặt tại UBND xã Gia Khánh (cũ).
- Xã Nhật Tân sáp nhập với Đồng Quang, lấy tên mới là Nhật Quang, trụ sở đặt tại UBND xã Nhật Tân (cũ).
- Xã Quang Minh sáp nhập với xã Đức Xương, lấy tên mới thành xã Quang Đức, trụ sở làm việc mới đặt tại UBND xã Đức Xương (cũ).
Huyện Cẩm Giàng
- Xã Cẩm Điền sáp nhập xã Cẩm Phúc, lấy tên mới là Phúc Điền, trụ sở đơn vị hành chính mới đặt tại UBND xã Cẩm Phúc (cũ).
- Xã Thạch Lỗi sáp nhập với thị trấn Cẩm Giang, lấy tên mới là thị trấn Cẩm Giang, trụ sở đơn vị hành chính mới đặt tại UBND thị trấn Cẩm Giang hiện nay.
Thị xã Kinh Môn
Xã Hoành Sơn sáp nhập phường Duy Tân, lấy tên mới là phường Duy Tân, trụ sở đơn vị hành chính mới đặt tại UBND phường Duy Tân hiện nay.
Thành phố Hải Dương
- 3 phường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Trãi sáp nhập với nhau, lấy tên mới là phường Trần Hưng Đạo, trụ sở đặt tại UBND phường Trần Hưng Đạo hiện nay.
- Phường Phạm Ngũ Lão và phường Trần Phú sáp nhập với phường Lê Thanh Nghị, lấy tên mới là phường Trần Phú, trụ sở làm việc đặt tại UBND phường Lê Thanh Nghị hiện nay.
Sau khi hoàn thành phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trình Bộ Nội vụ xem xét, cho ý kiến, các huyện, thị xã, thành phố sẽ xây dựng hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn gửi về Sở Nội vụ Hải Dương tổng hợp. Sở Nội vụ Hải Dương chủ trì xây dựng hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh…
Dự kiến giảm 31 xã, phường
Theo phương án tổng thể trình Bộ Nội vụ, toàn tỉnh Hải Dương có 38 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp và 23 đơn vị liền kề liên quan. Tuy nhiên, xã Nhân Huệ (Chí Linh) là đơn vị có yếu tố đặc thù nên đề nghị không thực hiện sắp xếp. Tổng số đơn vị thuộc diện sắp xếp, sáp nhập là 60 xã, phường, thị trấn.
Sau khi hoàn thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Hải Dương sẽ giảm 31 đơn vị (27 xã, 4 phường); mỗi đơn vị cấp xã có diện tích tự nhiên bình quân 8,18 km2 (tăng 1,08 km2/đơn vị); dân số bình quân 10.384 người (tăng 1.370 người/đơn vị).
Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trình Bộ Nội vụ của UBND tỉnh cũng nêu rõ các đơn vị hành chính được hình thành sau sắp xếp (21 xã, 3 phường, 5 thị trấn) so với tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên còn thấp theo quy định. Song do yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, điều kiện địa lý tự nhiên, văn hóa, tôn giáo… nên không thể điều chỉnh, nhập thêm với các đơn vị khác.
Đề nghị không thực hiện việc sắp xếp đối với 4 phường
Phương án tổng thể cũng kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét việc sắp xếp đơn vị hành chính đối với 4 phường của Tp. Hải Dương gồm: Trần Phú, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025 (đã có trong phương án tổng thể).
Tuy nhiên, theo Quyết định số 2414/QĐ-BQP ngày 11/7/2022 của Bộ Quốc phòng về công nhận xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng thì 4 phường trên là các phường trọng điểm về quốc phòng.
Đối chiếu với điểm c, khoản 1, điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, UBND TP Hải Dương đề nghị không thực hiện việc sắp xếp đối với 4 phường trên.
Theo Báo Chính phủ