Khi nhà ở đô thị trở nên đắt đỏ và khan hiếm hơn bao giờ hết, diện tích nhà ở bình quân đầu người ngày càng thu hẹp và không gian nhỏ gọn, linh hoạt trở thành một giải pháp buộc phải ưu tiên.
Trào lưu xây dựng những ngôi nhà tí hon phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ trước khi những người trẻ trong độ tuổi 20-30 chọn cuộc sống tối giản với việc sống trong những ngôi nhà có diện tích trong vòng 56 m2 đổ lại. Và hiện nay đại dịch tiếp tục đẩy mạnh xu hướng này.
Theo báo cáo, một căn hộ studio cỡ trung bình ở Tokyo chỉ có 18 m2, so với 35 m2 ở London, Milan và Sydney, 42 m2 ở New York. Nghiên cứu của các giáo sự tại trường King’s College London, cho thấy sau khi giảm nhẹ vào năm 2014, tỷ lệ nhà diện tích nhỏ (được xác định là từ 37 m2 trở xuống) hiện đã tăng lên theo tỷ lệ 1/10 ở khu vực nội thành phía Tây London nói riêng và 1/20 ở London nói chung.
Tại Việt Nam, năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người trên cả nước đạt mức 25,2 m2, tăng 7,3 m2 so với năm 2010, tương ứng tăng 40,8%.
Trong đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại Bắc Ninh là cao nhất cả nước với 35 m2/người. Đứng thứ hai là Long An với 31,7 m2/người. Vĩnh Phúc và Bến Tre đứng thứ ba và thứ tư với 31,6 m2/người và 31,2 m2/người. Thủ đô Hà Nội đứng thứ năm trong bảng xếp hạng với 30,9 m2/người. Diện tích nhà ở bình quân của người dân Hà Nội cao gấp 1,38 lần so với Tp. HCM.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người của Bình Dương là 16,8 m2/người – thấp nhất cả nước. Cùng đứng trong danh sách các địa phương có diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp nhất cả nước với Bình Dương là Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Ninh Thuận, Kiên Giang…
Năm 2023, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 26 m2/sàn/người. Con số này tăng hơn so với con số đã đạt được của năm 2022 là 25,5 m2 sàn/người.
Riêng tại Hà Nội, theo kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023 ban hành hôm 8/5, thủ đô đặt chỉ tiêu nhà ở riêng lẻ 4,5 triệu m2; nhà ở theo dự án khoảng 2,5 triệu m2, trong đó khoảng 2,3 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, khoảng 0,032 triệu m2 sàn nhà ở xã hội và 0,094 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư.
Diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố năm 2023 là 28,2 m2 được xác định trên cơ sở trung bình chỉ tiêu đạt được năm 2022 (27,6 m2 một người) và khả năng hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong các tháng cuối năm nay.
Dữ liệu của CBRE Việt Nam mới đây cho thấy, giá bán thứ cấp trung bình bất động sản nhà ở gắn liền với đất đến quý II/2023 là 154 triệu đồng/m2, còn giá chung cư là 33 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê báo cáo thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2023 là 7 triệu đồng (tăng 355.000 đồng so với cùng kỳ năm 2022), thu nhập bình quân của lao động tại đồng bằng sông Hồng là 8,1 triệu đồng (đã tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước) nhưng vẫn không đuổi kịp giá nhà ở, chung cư tại nội đô.
Tại nhiều quốc gia bao gồm cả Việt Nam, cuộc khủng hoảng nhà ở càng trở nên trầm trọng hơn do tình trạng đầu cơ hay các nhà đầu tư mua lại các căn nhà riêng lẻ để cho thuê và chờ sang nhượng khi lên giá. Giá nhà hiện tại gấp 20 – 30 lần thu nhập trung bình của người dân, gây ra những căng thẳng về an sinh xã hội và mất cân bằng dân số.
Theo Goldman Sachs, giá nhà ở tại các thành phố trên khắp thế giới vẫn đang giảm và được dự đoán có thể giảm tới 20% ở một số quốc gia, nhưng điều này không làm dịu đi cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả của người dân.
Theo CafeLand
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm :
Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, CafeL.xyz không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. CafeL.xyz chỉ cung cấp thông tin này như một kênh tham khảo thêm.