Định vị được thị trường trong bối cảnh chung của khu vực và nhận diện khẩu vị dòng vốn FDI sẽ hỗ trợ việc nâng cao sức cạnh tranh cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Dần trưởng thành
Điều mà nhiều thành viên thị trường, nhất là các nhà đầu tư quan tâm hiện tại là so với khu vực và thế giới, lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Việt Nam đang đứng ở vị trí ra sao.
Theo các nhà đầu tư, định vị được vị trí của thị trường khu công nghiệp trong nước sẽ giúp câu chuyện thu hút đầu tư trở nên thuận lợi hơn, bởi chỉ khi hiểu rõ tầm vóc, vị thế của mình trong khu vực và thế giới, chúng ta mới có thể đón dòng vốn đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả.
Theo bà Vân Nguyễn, Giám đốc cấp cao Khối thị trường giao dịch phía Bắc, JLL Việt Nam, có thể tạm chia mức độ “tiến hoá” của thị trường khu công nghiệp nói chung thành ba giai đoạn: đang phát triển – đã phát triển – thị trường cao cấp. Hiện tại, thị trường khu công nghiệp Việt Nam đang trong bước chuyển mình từ giai đoạn đang phát triển sang đã phát triển. Cùng với đó là những chuyển biến trong chất lượng thu hút vốn đầu tư.
Bà Vân Nguyễn cho hay, Việt Nam từng trải qua một thời gian dài chủ yếu thu hút đầu tư vào các mảng thâm dụng lao động, công nghệ thấp, tuy nhiên, vài năm gần đây đã có sự chuyển dịch khá rõ. Chất lượng dòng vốn đầu tư đã được cải thiện, có nhiều hơn các dự án mà hàm lượng chất xám, công nghệ cao hơn được triển khai.
Theo bà Vân, các quốc gia trong khu vực cơ bản cũng trong giai đoạn đang phát triển, còn nhóm thị trường cao cấp chủ yếu gắn với các thị trường như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.
“Có thể nói, chúng ta cơ bản đã bước qua giai đoạn phát triển theo bề rộng, tức chủ yếu phát triển quỹ đất, cho thuê nhanh nhất có thể, thu hút bất kỳ ngành nghề nào phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của mỗi địa phương. Hiện, Việt Nam đang trong làn sóng thu hút đầu tư mới và xu hướng tương lai là sẽ phát triển theo chiều sâu, định vị Việt Nam là thị trường tiến bộ, thu hút các nhà đầu tư trình độ cao”, bà Vân cho hay.
Đồng quan điểm, ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và Khối bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam cho rằng, thị trường khu công nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển khá mạnh thời gian qua, tuy nhiên đặt trong bối cảnh khu vực thì cũng có những sự khác biệt, gắn với trình độ khoa học, kỹ thuật và nền kinh tế.
Lấy ví dụ với Thái Lan, ông Dương cho hay, nước này có lĩnh vực logistics và ngành công nghiệp ô tô khá phát triển và đây là thành công của người Thái khi định vị được lĩnh vực thế mạnh nổi bật trong mắt các nhà đầu tư.
“Để phục vụ 40 triệu khách du lịch, Thái Lan cần nhiều kho để dự trữ hàng hoá, thực phẩm cung cấp cho du khách, từ đó kích thích sự phát triển của thị trường kho vận, hạ tầng logistics. Đây là điểm khác biệt với Việt Nam”, ông Dương phân tích và cho rằng, khoảng 5 – 7 năm qua, Việt Nam được hưởng lợi từ chính sách Trung Quốc +1, đã thu hút được nhiều dòng vốn chất lượng hơn nhưng để định hình lĩnh vực thế mạnh thì chưa.
Theo ông Dương, thời gian qua, Việt Nam đã phát triển tốt hạ tầng giao thông cảng biển, sân bay phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu, là động lực cho thu hút vốn FDI cũng như thị trường bất động sản khu công nghiệp. Tuy nhiên, cũng còn đó không ít thách thức khi muốn thu hút các queen bee – những nhà đầu tư lớn trên thế giới. Điều cần thiết hiện tại là Việt Nam phải nhìn rộng hơn, so sánh với các nước trong khu vực, từ đó, nhận diện ngành nào có lợi thế thì tập trung thu hút đầu tư.
Chuyển đổi xanh, tăng cạnh tranh
Trong cuộc trò chuyện cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, điểm chung mà người viết ghi nhận được là, các bên đều đánh giá cao vị trí địa lý, chính sách thu hút đầu tư và vĩ mô của Việt Nam (tăng trưởng kinh tế ổn định, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do và là đối tác của nhiều nước lớn). Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa nếu cải thiện được một số hạn chế hiện tại.
Theo ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển kinh doanh toàn quốc, Công ty SLP Việt Nam (đơn vị phát triển và vận hành cơ sở hạ tầng công nghiệp và logistics), khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, SLP đã đặt ra tầm nhìn dài hạn. Do đó, kể cả khi đã đầu tư ở Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu nhưng với SLP, Việt Nam vẫn là thị trường nổi bật để chuyển dịch.
Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, bên cạnh rất nhiều lợi thế, nếu đặt trong bối cảnh cạnh tranh khu vực, vẫn có những điểm Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện. Cụ thể, giá đất không còn rẻ, thậm chí đắt và nếu tính tổng hoà giá đất, các chi phí khác thì chi phí đầu tư vào Việt Nam cao hơn cả đầu tư vào Trung Quốc.
“Có trường hợp, giá đất quá cao khiến chúng tôi khó kiểm soát được chi phí đầu vào, từ đó, hạn chế tính cạnh tranh với khu vực, cũng như hiệu quả thu hút đầu tư”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam phải tận dụng các lợi thế sẵn có, chọn ra cho mình lĩnh vực chuyên sâu để thu hút đầu tư, từ đó, khiến nhà đầu tư mỗi khi có ý tưởng đầu tư về lĩnh vực này sẽ nghĩ đến Việt Nam.
Bình luận về khẩu vị dòng vốn đầu tư mới, ông Paul Tonkes, Phó giám đốc điều hành Khối Bất động sản công nghiệp, Công ty Indochina Kajima Development (ICCK) – chủ đầu tư chuỗi dự án Core5 cho biết, trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và các dòng vốn đầu tư mới, Core5 nhận thấy các khách thuê ngày càng có những yêu cầu cao hơn về hệ thống nhà kho, nhà xưởng. Công ty đã chủ động đưa ra các giải pháp toàn diện hơn, thiết kế, phát triển các sản phẩm mang tính linh động cao để đáp ứng nhu cầu của khách thuê.
Theo ông Paul Tonkes, nắm bắt được khẩu vị của khách thuê, ICCK ưu tiên lựa chọn các địa điểm có hệ sinh thái tốt cho nhà đầu tư, các dự án mà trong đó nhà đầu tư có thể cộng sinh tốt với nhau. Trong xu hướng phát triển bền vững, xanh hoá ngày càng được chú trọng, các dự án của ICCK đều được phát triển theo hướng này và thực tế cho thấy, nhiều khách hàng đến với Core5 cũng vì tính xanh, tính bền vững của dự án.
Phản hồi từ các nhà đầu tư cho hay, việc lựa chọn các dự án xanh như của Core5 sẽ giúp nhà đầu tư rất nhiều trong việc hiện thực hoá mục tiêu phát triển xanh, ESG, giúp tiết kiệm chi phí, bổ sung tiện ích, bù trừ thuế phát thải, rộng cửa cho việc xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm :
Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, CafeL.xyz không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. CafeL.xyz chỉ cung cấp thông tin này như một kênh tham khảo thêm dành cho các độc giả!