Nhiều bạn đọc không đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng về quy định sở hữu chung cư có thời hạn, trong khi một số bạn đọc khác lại ủng hộ đề xuất này.
Như đã thông tin, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Trước đó, bộ này từng nhiều lần đề xuất quy định sở hữu nhà có thời hạn 50 – 70 năm và luôn gặp sự phản đối của dư luận.
Tại dự thảo lần này, Bộ Xây dựng đưa ra 2 phương án: Hoặc bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà xác định theo thời hạn sử dụng của công trình; hoặc giữ nguyên thời hạn sử dụng như quy định hiện nay – tức không quy định niên hạn. Phương án 1 mà Bộ Xây dựng đưa ra bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật xây dựng.
Nhiều người còn e ngại khi mua chung cư do sở hữu có thời hạn
Theo đó, thời hạn sở hữu nhà chung cư được áp dụng đối với các loại, bao gồm: nhà chung cư thương mại, nhà chung cư xã hội, nhà chung cư tái định cư, nhà chung cư công vụ. Thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình nhà đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Khi thẩm định hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải ghi rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư trong hồ sơ thiết kế.
Thời hạn sở hữu nhà chung cư phải quy định rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ. Thời hạn sở hữu nhà chung cư chỉ áp dụng đối với công trình nhà chung cư được cấp giấy phép xây dựng hoặc có văn bản thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (đối với trường hợp miễn giấy phép xây dựng) sau ngày luật này có hiệu lực thi hành. Đối với các nhà chung cư trước ngày luật này có hiệu lực, người dân được sở hữu không thời hạn như quy định cũ.
Ki cóp cả đời mua căn chung cư, rồi sẽ không còn gì?
Không đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng, một bạn đọc (BĐ) cho biết: “Việc đưa thời hạn sử dụng vào quyền sử dụng nhà ở là không hợp lý vì: (1) Có chung cư cao cấp, thuộc công trình cấp I, thời hạn sử dụng 100 năm thì quy định 50 – 70 năm là không phù hợp; (2) Nhiều chung cư xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nhưng do bảo quản tốt nên vẫn sử dụng bình thường sau gần 60 năm. Do đó, luật chỉ nên quy định cụ thể về công tác bảo trì, sửa chữa trong quá trình sử dụng hoặc phá dỡ khi khảo sát cho thấy công trình đang trong tình trạng nguy hiểm”.
Cùng ý kiến, BĐ tahienvu cho rằng: “Tôi không hiểu tại sao Bộ cứ tách chung cư ra như một sản phẩm xây dựng cá biệt, rồi loay hoay với việc niên hạn sử dụng làm gì. Cầu đường, nhà phố, cao ốc văn phòng… thì có niên hạn vĩnh viễn, riêng chung cư thì phải có thời hạn? Nhà đầu tư bán nhà kèm theo đất hay chỉ bán công trình xây dựng trên đất, sau bao nhiêu năm thì họ thu hồi đất để tái sử dụng…? Điều này sẽ quy định trong hợp đồng, nó là thỏa thuận dân sự giữa bên mua và bên bán…”.
Trong khi đó, BĐ Nguyen Minh Long cho rằng: “Mua đất, xây nhà, 100 năm sau, đất vẫn là của con cháu mình, nhà vẫn là của con cháu mình. Bán đi, giá trị lúc đó cũng tăng nhiều. Theo dự thảo mới, mua chung cư, giống như là thuê nhà trong 70 năm lâu nhất…”.
Cái gì cũng có tuổi thọ của nó
“Tôi ủng hộ ý kiến thời hạn sở hữu chung cư theo tuổi thọ công trình. Cái gì cũng có tuổi thọ của nó mà lại ghi “sở hữu vĩnh viễn” thì sẽ gây rất nhiều bất cập sau này, không thể biết hết được đâu”, BĐ Lê Minh VN bày tỏ.
Cùng quan điểm, BĐ Thuyên Lương Ngọc cho biết: “Hoàn toàn ủng hộ đề xuất chung cư có hạn sử dụng. Vì tất cả sản phẩm đều có giới hạn hết, vì vậy phải có hạn”. BĐ Viet Phan cũng cho rằng: “Quy định về thời hạn sở hữu căn hộ chung cư theo thời hạn sử dụng công trình là hoàn toàn đúng đắn. Hết thời hạn sử dụng công trình, chủ sở hữu căn hộ sẽ bàn giao căn hộ cho cơ quan quản lý nhà nước”.
Trong khi đó, BĐ Andy Quách bày tỏ sự lo lắng: “Có thời hạn cũng được vì tới hạn thì căn hộ chung cư cũng hư hết rồi, quan trọng là sau đó quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo như thế nào? Nếu không rõ ràng thì người dân phản đối là phải rồi, làm không khéo thì nhà liền thổ sẽ tăng chóng mặt cho mà xem,…”.