Năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo khởi sắc, kênh đầu tư nào sẽ đem lại biên độ lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư?
Theo ông Nguyễn Trọng Tuệ, Viện trưởng Viện nghiên cứu kiến trúc và văn hóa phương Đông, trong phong thủy, người ta chia làm 25 vận. Từ năm 2004 đến hết năm 2023 là vận 8. Năm 2024 là khởi đầu của vận 9. Thế nên, 2024 là năm đặc biệt khi là năm chuyển vận. Vận 9 sẽ kéo dài 20 năm, từ 2024 đến năm 2043.
Nhắc lại về vận 8, một điểm đáng lưu ý đây là thời kỳ được gọi là “Thổ tinh quản vận”, tức là tất cả mọi ngành, đặc biệt là kinh tế xoay quanh giá trị của đất đai. Đây cũng là giai đoạn mà giá trị bất động sản tăng mạnh. Đó là thời kỳ mà mua một mảnh đất, không làm gì, để một thời gian, thậm chí 2-3 tháng, giá có thể tăng gấp nhiều lần. Nhưng càng về cuối vận 8, giá trị của đất đai dần suy yếu. Tức đầu tư bất động sản không mang lại lợi nhuận lớn như giai đoạn trước.
Và bước sang năm 2024, giá trị của bất động sản dần dần “suy”. Ở vận 9, theo phong thuỷ, đây là thời kỳ “hoả tinh quản’ tức mọi thứ đều phải minh bạch. Đó là giai đoạn mà ánh sáng của trí tuệ, là kỷ nguyên của khoa học và công nghệ thực sự bắt đầu. Ở vận này, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ và bùng nổ.
Theo ông Tuệ, dự báo về năm 2024, kinh tế sẽ vận động theo chiều hướng tốt hơn. Quan điểm nhìn nhận về các kênh đầu tư cũng sẽ thay đổi.
“Tổng quan chung, đây sẽ là giai đoạn mà giá trị ảo sẽ không còn. Những kênh đầu tư, những lĩnh vực tạo ra giá trị thật sẽ lên ngôi. Như vậy, từ năm 2024 trở đi, nhà đầu tư nên tránh “đầu cơ”, mà hướng tới bỏ tiền vào lĩnh vực, ngành nghề tạo ra giá trị thật. Tuân thủ theo nguyên tắc đó sẽ tạo ra giá trị bền vững”, ông Tuệ nhấn mạnh.
Phân tích về từng lĩnh vực, đối với bất động sản, ông Tuệ cho rằng, kênh đầu tư này sẽ không còn tăng giá mạnh như trước. Giá bất động sản có thể bắt đầu chững lại từ từ. Nhà đầu tư mua mảnh đất, không làm gì, để vài tháng thậm chí không thêm gọng cỏ, hay thêm m2, thì giá trị cũng khó tăng gấp đôi hay gấp nhiều lần như trước.
Ở giai đoạn của hiện tại, người ta phải đầu tư sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng trên mảnh đất đó thì giá mới tăng. Ví dụ như xây nhà, phát triển dịch vụ cho thuê, kinh doanh. Với chủ đầu tư, họ phát triển quỹ đất phải đi kèm với xây dựng hạ tầng, hình thành khu dân cư đáng sống, đầy đủ tiện ích, phục vụ nhu cầu, mục đích của con người mới có thể tồn tại được. Hoặc trong bất động sản công nghiệp, nhà xưởng phải được xây dựng đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh thì giá trị của đất mới gia tăng.
Khi giá trị thật của bất động sản hiện hữu, bong bóng bất động sản cũng sẽ không còn. Những nhà đầu tư ôm nhiều bất động sản phải suy tính tới gia tăng giá trị trên đất chứ khó chờ mong rằng: Cứ mua, ôm và chờ tăng giá.
Đánh giá về kênh đầu tư vàng, ông Tuệ cũng cho rằng: Đây là giai đoạn mà giá trị vàng định nghĩa lại. Giá vàng sẽ không còn tăng phi mã, gấp nhiều lần như năm trước.
Đối với tiền ảo, theo ông Tuệ, tiền ảo vốn là tiến bộ khoa học. Nhưng hiện tại, tiền ảo đang đi chệch hướng, trở thành kênh đầu tư tăng quá mạnh. Có thể trong giai đoạn tới, tiền ảo sẽ trở về ý nghĩa là phương tiện thanh toán.
Riêng về chứng khoán, ông Tuệ nhận định: Những ngành sản xuất dịch vụ, công nghiệp, khoa học trí tuệ sẽ được hướng tới nhiều hơn. Những ngành tạo ra giá trị ảo sẽ dần đi xuống.
Còn đối với gửi tiết kiệm, theo ông Tuệ, đây không phải là kênh đầu tư, mà chỉ có ý nghĩa là nơi cất tiền. Nếu như trước đây, cách giữ tiền truyền thống của người dân là cất tiền, vàng ở chân giường, sau đó là két thì giai đoạn này, gửi tiết kiệm cũng có ý nghĩa tương tự.
Cũng theo ông Tuệ, đồng tiền số sẽ dần thay thế rõ rệt tiền hiện kim như tiền mặt và vàng. Số hoá sẽ là xu thế bắt buộc tất yếu của ngành tài chính, ngân hàng bởi giai đoạn này, sự minh bạch, rõ ràng sẽ được đề cao.
Theo An ninh Tiền tệ