Chuyên gia cho rằng giá nhà đất Hà Nội tăng nóng có nhiều nguyên nhân, bao gồm cung ít cầu cao. Điều này không tốt cho thị trường, có sự lệch lạc về cung, yếu về chất lượng, phục vụ đầu cơ là chính.
Tại sự kiện sáng nay (8/11) diễn ra ở Tp. HCM, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc Bộ phận tiếp thị Nhà ở CBRE Việt Nam – cho biết trong vòng 1-2 quý tới, mặt bằng giá chung cư Hà Nội có thể vượt TPHCM. Trung bình mặt bằng giá thị trường thứ cấp cũng tương tự.
Ông Kiệt cho biết cách đây 3-5 năm, mặt bằng giá căn hộ tại TPHCM cao hơn 15-20% so với Hà Nội. Tuy nhiên hiện tại, khoảng cách này thu hẹp còn khoảng 4-5%. Mức giá hiện tại của căn hộ chung cư Hà Nội đạt 64 triệu đồng/m2, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tại TPHCM đạt 66 triệu đồng/m2, tăng 8%.
Cùng với giá, mức độ hấp thụ căn hộ của Hà Nội cũng ngày càng được cải thiện. Cách đây 5-6 năm, mức độ hấp thụ chỉ 40-50% nhưng đến hiện tại đã lên 80-90%.
Nói về biến động giá nhà đất Hà Nội thời gian qua, một số chuyên gia nhận định bất thường, gây nhiều hệ lụy, không tốt cho thị trường chung.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – lý giải, trong 5 năm qua, giá bất động sản đã tăng mạnh và chạm đỉnh ở TPHCM. Còn phía Bắc, cùng thời gian này, hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, kéo theo sự phát triển của bất động sản. Nhu cầu đầu tư, nhu cầu nhà ở cũng tăng cao.
Trong khi đó, Hà Nội dẫn đầu về việc không có dự án mới được phê duyệt trong 5 năm trở lại đây. Nguồn cung khan hiếm, nhu cầu cao đẩy giá tăng nóng ở khu vực ven đô, đặc biệt ở các phiên đấu giá.
Ông Đính cho rằng sự việc này không phải dấu hiệu tốt của thị trường, có sự lệch lạc về cung, yếu về chất lượng, phục vụ đầu cơ là chính, chưa có dự án phục vụ nhu cầu thực sự của người dân và nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thị trường vì thế phát triển chưa chất lượng, các chính sách chưa thực sự kích thích cho nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội.
Ông Đính nhận định, giá tăng cao gây hệ lụy là người dân khó tiếp cận nhà ở, làm tăng chi phí đầu tư sản xuất, người đầu tư chân chính khó tiếp cận tài nguyên đất đai. Vì vậy, Chính phủ cũng đang có các biện pháp điều tiết phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Phó tổng giám đốc Gamuda Land – cho rằng mặt bằng giá cao thì không ai được hưởng lợi, cả phía chủ đầu tư và người mua. Giá cao, theo bà Vân, đến từ yếu tố đầu vào tăng, như tiền sử dụng đất theo bảng giá đất mới. Nếu giá cao vượt khả năng chi trả của người dân thì sức cầu sẽ bị ảnh hưởng.
Bà đưa ra lời khuyên với người mua là giá mua phải tương xứng với giá trị dự án như uy tín chủ đầu tư, pháp lý dự án. Thời điểm này, người mua phải rất thận trọng, nguồn cung dự kiến có thêm dự án nên hãy bình tĩnh lựa chọn sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, người mua có quyền thách thức với chủ đầu tư về câu hỏi: Dự án đã có giấy phép bán hàng chưa, trước khi đặt bút ký khoản đặt cọc 5%?
Theo Dân Trí
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm :
Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, CafeL.xyz không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. CafeL.xyz chỉ cung cấp thông tin này như một kênh tham khảo thêm dành cho các độc giả!