Nhiều chính sách mới tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản sắp có hiệu lực; Khó đạt mục tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024; Lâm Đồng yêu cầu tháo dỡ điểm kinh doanh giải trí “chui” Sun Valley; 2 doanh nghiệp Hàn Quốc muốn làm dự án hơn 9.000 tỷ tại Thái Bình.
Từ 1/8, mua bất động sản dự án phải thanh toán bằng chuyển khoản
Theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023, người mua nhà tại các dự án bắt buộc thanh toán bằng chuyển khoản cho chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8, tại điều 48 về thanh toán trong kinh doanh bất động sản quy định người mua nhà tại các dự án bắt buộc thanh toán bằng chuyển khoản cho chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, điều 48 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 yêu cầu chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hay dịch vụ địa ốc phải nhận tiền thanh toán theo hợp đồng từ khách hàng thông qua tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Việc phạt, bồi thường thiệt hại vì chậm tiến độ thanh toán hay chậm bàn giao được các bên thỏa thuận và phải ghi trong hợp đồng.
Giá Biệt thự/nhà liền kề sẽ như thế nào khi Luật Đất đai có hiệu lực?
Đánh giá của chuyên gia Savills về thị trường biệt thự/nhà liền kề Hà Nội quý 2/2024 cho thấy, hoạt động giao dịch còn chậm. Tuy nhiên các luật sửa đổi và sự phát triển cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ tạo đà tăng trưởng cho thị trường.
Báo cáo tổng quan về thị trường bất động sản Hà Nội quý 2/2024 và 6 tháng đầu năm, ông Matthew Powell Giám Đốc, Savills Hà Nội cho bết, nguồn cung mới đạt 128 căn, tăng 38% theo quý nhưng giảm 2% theo năm. Nguồn cung mới đền từ hai dự án hiện hữu ở Hà Đông: An Quý Villa với 54 căn biệt thự và Solasta Mansion với 51 căn biệt thự, trong khi An Lạc Green Symphony ở Hoài Đức có 12 căn liền kề mới và Him Lam Thường Tín có 11 căn shophouse mới.
Nguồn cung sơ cấp đạt 608 căn từ 16 dự án, giảm 9% theo quý và 24% theo năm. Biệt thự là loại hình chiếm ưu thế với 39% nguồn cung sơ cấp do có nguồn cung mới trong quý này.
Nói về thị trường này, ông Matthew cho biết, số lượng giao dịch trong quý 2/2024 giảm 40% theo quý nhưng tăng 5% theo năm, đạt 111 căn, và tỷ lệ hấp thụ theo quý chỉ đạt 18%. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ đạt 48%, giảm 15 điểm phần trăm theo quý và 3 điểm phần trăm theo năm.
Bộ Xây dựng: Khó đạt mục tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024
Theo Bộ Xây dựng, việc hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024 như mục tiêu của Chính phủ đề ra sẽ khó hoàn thành khi 6 tháng đầu năm cả nước chỉ có thêm 8 dự án.
Bộ Xây dựng vừa công bố tài liệu phục vụ Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH) có 8 dự án đã hoàn thành. Tính từ 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án đã triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong đó có 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn.
Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà xã hội, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Riêng năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 130.000 căn. Do đó, Bộ Xây dựng đánh giá “khó hoàn thành chỉ tiêu trên trong năm 2024”.
2 ông lớn Hàn Quốc làm dự án hơn 9.000 tỷ tại Thái Bình
Theo kết quả mở hồ sơ đăng ký ngày 9/7, chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm dự án Khu đô thị mới Kiến Giang (Thái Bình) là liên danh DECV – THT – GIP Land – ZUP.
Trong thành phần liên danh này có DECV là Công ty TNHH Daewoo Engineering & Construction Việt Nam (Daewoo E&C Vina) và THT là Công ty TNHH Phát triển THT – đơn vị thành viên của Daewoo E&C Vina – chủ đầu tư dự án khu đô thị Tây Hồ Tây (tên thương mại Starlake) với quy mô hơn 186 ha ở Hà Nội.
Còn GIP Land và Công ty TNHH ZUP Invest đều được thành lập gần đây, có trụ sở tại tỉnh Thái Bình.
GIP Land có vốn điều lệ 494 tỷ đồng, vốn của ZUP Invest là 250 tỷ.
Theo thông báo trước đó của Sở Kế hoạch & Đầu tư Thái Bình, dự án phát triển nhà ở Khu đô thị mới Kiến Giang có quy mô dân số khoảng 18.600 người. Dự án nằm trên địa bàn ba phường và hai xã thuộc TP Thái Bình, phát triển theo mô hình khu đô thị mới, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật – xã hội. Chi phí sơ bộ để thực hiện dự án gần 9.270 tỷ đồng và hơn 417 tỷ để bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm tại điểm kinh doanh giải trí “chui” Sun Valley
UBND huyện Bảo Lâm vừa ban hành báo cáo số 156/BC-UBND gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc kiểm tra và xử lý vi phạm tại điểm kinh doanh dịch vụ giải trí không phép thuộc dự án bất động sản trái phép ở xã Lộc Quảng. Theo đó, ông Lê Đức Hưng bị phát hiện chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp với diện tích 605,5 m² và xây dựng nhiều công trình không phép.
UBND huyện Bảo Lâm đã xử phạt ông Lê Đức Hưng 11,5 triệu đồng và yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Ngoài ra, ông Hưng phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp do chuyển đổi mục đích sử dụng đất là 90.970 đồng.
Trước đó, điểm kinh doanh Sun Valley Farm đã mở cửa từ tháng 4/2024, thu hút khách tham quan với các hoạt động giải trí và dịch vụ ăn uống. Sun Valley Farm được xây dựng trên diện tích khoảng 1 ha thuộc dự án bất động sản Sun Valley, được biết đến với các hoạt động “phân lô bán nền” trái phép.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu siết chặt quản lý quy hoạch và đất đai, xử lý nghiêm việc hiến đất làm đường, tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái quy định, đồng thời tạm dừng toàn bộ các hoạt động xây dựng trên đất tách thửa tại thôn 5, xã Lộc Quảng. Trước đó, 11 hộ dân đã hiến đất làm đường và bán lại đất cho Khải Hưng Corp, sau đó công ty này đã rao bán đất nền dưới danh nghĩa dự án nghỉ dưỡng Sun Valley.
Tông hợp từ Nhịp sống Thị trường
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm :
Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, CafeL.xyz không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. CafeL.xyz chỉ cung cấp thông tin này như một kênh tham khảo thêm dành cho các độc giả!