Trong chia sẻ mới đây, bà Trang Lê, Trưởng bộ phận nghiên cứu JLL Việt Nam đã tiết lộ 3 dòng sản phẩm sẽ hút tiền của nhà đầu tư trong tương lai. Tuy vậy, nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý đến khâu vận hành thì mới mang lại doanh thu tốt.
Cụ thể, theo bà Trang Lê, trung tâm dữ liệu, kho lạnh và viện dưỡng lão sẽ là dòng sản phẩm có tiềm năng rất lớn trong tương lai.
Trong đó, trung tâm dữ liệu được hưởng lợi khi Việt Nam có tỷ lệ áp dụng nhanh chóng các dịch vụ đám mây, đáng chú ý là truyền thông xã hội, phát trực tuyến, thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến.
Ở khu vực châu Á Thái Bình Dương Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có ít trung tâm dữ liệu hơn Hong Kong và Singapore, mặc dù có dân số đông hơn 30 lần. Tuy nhiên, Trung tâm dữ liệu của Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới nhờ quá trình số hóa của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước và dân số trẻ hiểu biết về kỹ thuật số, sự xuất hiện của 5G, nhu càu tự cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và luật nội địa hóa dữ liệu.
Tại Việt Nam cả nước có tổng số 28 dự án trung tâm dữ liệu với tổng công suất đạt 45 MW. Thị trường ghi nhận sự tham gia của 44 nhà cung cấp dịch vụ. Hiện tại, hầu hết các công ty tham gia phân khúc trung tâm dữ liệu của Việt Nam đều là các công ty viễn thông trong nước như Viettel IDC, Các Trung tâm Dữ liệu toàn cầu NTT, FPT Telecom, CMC Telecom, HTC Telecom International, VNPT và VNTT. Các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng CNTT bao gồm HP, Deli, Cisco System, Fujitsu, Hitachi, Huawei, IBM, Lenovo, NetApp, NEC Corp và Oracle.
Chính phủ có Chương trình Chuyển đổi Kỹ thuật số với mục tiêu chuyển 50% hoạt động kinh doanh sang nền tảng kỹ thuật số vào năm 2025. Kết nối 5G của Việt Nam hỗ trợ triển khai trung tâm dữ liệu biên và cung cấp kêts nối chặng cuối cùng các dịch vụ có độ trễ thấp hơn.
Theo đó, việc phát triển danh mục trung tâm dữ liệu tại thị trường Châu Á – Thái Bình Dương rất tiềm năng, tuy nhiên sẽ cần thời gian do tính chất phân mảnh hiện tại của ngành. Hiện hợp đồng thuê trung tâm dữ liệu hầu hết là hợp đồng dài hạn và nhu cầu thuê ít bị ảnh hưởng bởi tính chu kỳ như bất động sản cho thuê truyền thống, điều này giúp chủ đầu tư hưởng lợi ích ổn định và lâu dài hơn, chưa kể lợi nhuận từ việc chào bán bất động sản trung tâm dữ liệu có xu hướng tăng cao hơn so với các sản phẩm bất động sản cho thuê truyền thống khác.
Kho lạnh phát triển đến từ sự quan tâm đến chất lượng thực phẩm ngày càng cao và tăng trưởng xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam.
Thói quen mua sắm của người tiêu dùng dần chuyển dịch sang các loại thực phẩm tươi sống với chất lượng cao, khiến phân khúc bất động sản kho lạnh ngày càng được chú ý.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, trong vài năm trở lại đây, bất động sản công nghiệp và logistics ngày càng nhận được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư với ghi nhận dòng vốn đầu tư vào mức kỷ lục. Trong đó, bất động sản kho lạnh (phân khúc thuộc BĐS công nghiệp), sử dụng để bảo quản những hàng hóa đặc thù, là một trong số những lựa chọn đầu tư hấp dẫn, thu hút nguồn vốn của nhiều nhà đầu tư.
Hiện thị trường bất động sản kho lạnh Việt Nam đang phát triển với quy mô nhỏ, trong khi đó nhu cầu của thị trường còn rất lớn nên rất tiềm năng cho các nhà đầu tư. Đó là chưa kể, nguồn cung kho lạnh tại Việt Nam hiện tương đối nhỏ và tập trung ở một số thành phố lớn. Tại miền Nam, ghi nhận sự phát triển năng động hơn bởi nguồn cầu lớn hơn đối với thực phẩm, hải sản và chế phẩm bán lẻ. Cụ thể, đa số nguồn cung kho lạnh tập trung tại Tp.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An hay Đồng Nai, với tổng diện tích chiếm tới 87% tổng nguồn cung cả nước.
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy tiềm năng nên đã bắt đầu đầu tư mạnh vào thị trường bất động sản kho lạnh này. Chi phí đầu tư kho lạnh cao gấp nhiều lần so với việc xây dựng kho thông thường. Các đơn vị cung cấp dịch vụ kho lạnh thường phải thuê diện tích xây dựng trong thời gian 10-30 năm để đảm bảo khoản đầu tư đã bỏ ra. Vì vậy, các nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn nguồn tài chính và xác định được các rủi ro như nhiều vấn đề có thể xảy ra trong quá trình vận hành, biến động kinh tế.
Bất động sản dưỡng lão có tiềm năng lớn trong tương lai theo JLL nhờ sự chuyển dịch đáng kể về nhân khẩu học và phong cách sống ở Việt Nam đòi hỏi không gian sống và dịch vụ dành riêng cho người cao tuổi.
Dòng sản phẩm này hứa hẹn là phân khúc có dư địa phát triển trong thời gian tới, do tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam ngày một tăng, tốc độ già hóa dân số nhanh chóng…
Nhiều con số thống kê cho thấy, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo dân số theo giả định mức sinh trung bình thì số lượng người cao tuổi đạt 17,28 triệu người (chiếm 16,5% tổng dân số) vào năm 2029; 22,29 triệu người (chiếm 20,21% tổng dân số) vào năm 2038; 28,61 triệu người triệu người (chiếm 27,11% tổng dân số) vào năm 2069.
Bắt nhịp xu hướng, thời gian gần đây, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bắt đầu tham gia vào việc phát triển loại hình bất động sản dưỡng lão. Tuy nhiên, phân khúc này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng dự án nghỉ dưỡng dưỡng lão được đầu tư bài bản vẫn ít so số lượng bất động sản nghỉ dưỡng “nhắm” vào giới trẻ.
Theo khảo sát và thống kê của công ty bảo hiểm Bảo Việt (BVI), tính đến năm 2021, Việt Nam mới có khoảng 80 cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập. Trong số 63 tỉnh thành của cả nước, chỉ 32 tỉnh có viện dưỡng lão dành cho việc chăm sóc người cao tuổi, các viện dưỡng lão này phần lớn thuộc khu vực tư nhân. Tức là, không đạt mức bình quân mỗi tỉnh thành một trung tâm.
Tuy vây, phân khúc bất động sản nhà ở dưỡng lão tại Việt Nam vẫn sơ khai, chưa có nhiều đơn vị đi sâu, phát triển là bởi khách hàng Việt chưa quen về khái niệm sống ở viện dưỡng lão. Đồng thời, người dân vốn tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm nên chưa nhiều người sẵn sàng chi trả cho dịch vụ này.
Xu hướng phát triển của mô hình viện dưỡng lão ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung trong tương lai sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đáp ứng đủ, chất lượng nhu cầu đang ngày càng gia tăng của người cao tuổi, hướng đến trải nghiệm và cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo ra môi trường chăm sóc và sinh hoạt tối ưu cho họ.
Theo Nhịp sống Thị trường