Với căn hộ bình dân có giá 2-3 tỷ đồng, người có thu nhập trung bình thấp, có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng mỗi năm phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà.
Thông tin trên được Hiệp hội Bất động sản Tp. HCM đưa ra báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng.
Theo HoREA, giá nhà tăng liên tục từ năm 2017 đến nay và vẫn neo cao, vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư.
Với căn hộ bình dân có giá 2-3 tỷ đồng thì người có thu nhập trung bình thấp, có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng mỗi năm cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà.
Trong khi đó, nếu không thay đổi chính sách nhà ở xã hội thì người nộp thuế thu nhập cá nhân “bậc 1” (hiện nay quy định dưới 60 triệu đồng/năm) cũng không được mua nhà ở xã hội, nhưng cũng không đủ khả năng tài chính để mua nhà ở thương mại giá bình dân. Trên thực tế, thị trường hiện nay khan hiếm loại nhà ở thương mại giá bình dân.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, kể từ năm 2017, thời điểm đỉnh cao của thị trường bất động sản, đến nay, thị trường bất động sản Tp. HCM liên tục sụt giảm nguồn cung.
Theo số liệu của Sở Xây dựng, năm 2017 Tp. HCM có 12.495 căn hộ bình dân (có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn. Trong khi đó phân khúc căn hộ cao cấp (giá trên 40 triệu đồng/m2) có 10.987 căn và phân khúc căn hộ trung cấp (giá từ 25-40 triệu đồng/m2) có 19.509 căn.
Đến năm 2020, nguồn cung căn hộ bình dân đủ điều kiện huy động vốn giảm mạnh chỉ còn 163 căn, trong khi căn hộ cao và trung cấp lần lượt là 7.114 căn và 9.618 căn. Từ năm 2021 đến hết 9 tháng năm 2023, căn hộ bình dân biến mất khỏi thị trường.
“Từ năm 2020 đến nay, tình trạng nguồn cung phân khúc nhà ở cao cấp chiếm tỷ lệ lớn trong tổng nguồn cung đã dẫn đến giá nhà tăng liên tục”, ông Châu đánh giá.
Dẫn báo cáo Ban IV, ông Châu cho biết đến cuối tháng 09/2023, hàng tồn kho bất động sản rất lớn, có tổng giá trị lên đến 301.600 tỷ đồng tăng 5% so với cùng kỳ.
“Cần phải có giải pháp để tháo gỡ, đưa lượng hàng tồn kho rất lớn này trở lại thị trường bất động sản để vừa tạo dòng tiền, tạo thanh khoản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường”, ông Châu kiến nghị.
Trong một báo cáo trước đó, Savills Việt Nam cho biết, ở các đô thị lớn tại Việt Nam như Hà Nội và Tp. HCM, khả năng chi trả cho nhà ở, dù là thuê hay mua, là một thách thức lớn.
Bà Giang Huỳnh, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và S22M Savills Tp. HCM cho biết, phần lớn người dân chỉ có thể chi trả cho phân khúc nhà ở vừa túi tiền, căn hộ hạng C.
“Hiện tại, những căn hộ vừa túi tiền có giá từ 2-4 tỷ có nguồn cung khá thấp, phù hợp với khả năng chi trả của người dân tại Tp. HCM. Trước đây, dòng sản phẩm từ 2-4 tỷ đồng chiếm tỷ lệ khoảng 60% trong nguồn cung của thị trường nhưng đến 2023 chỉ chiếm khoảng 25%, hạn chế nguồn cung cũng như cơ hội sở hữu nhà của người dân”, bà Giang dẫn chứng.
Theo báo cáo Chỉ số về khả năng chi trả Nhà ở tại châu Á Thái Bình Dương 2023 của ULI, Tp. HCM và Hà Nội là 2 thành phố có giá nhà ở mức độ trung bình trong khu vực nhưng lại chênh lệch khá lớn so với thu nhập của người dân.
Cụ thể, Tp. HCM, trung tâm kinh tế của Việt Nam, nổi bật với giá nhà trung bình là 296.000 USD (hơn 7 tỷ đồng) với thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở mức 9.120 USD/năm, tức chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại Tp. HCM đang ở mức 32,5 lần.
Ở thị trường nhà ở cho thuê, giá thuê trung bình hàng tháng trên mỗi căn hộ tại Tp. HCM là 592 USD, tương đương khoảng hơn 14 triệu đồng. Đây là thị trường chủ yếu phù hợp với nhóm lao động trẻ có thu nhập cao hoặc nhóm người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo Thanh Niên Việt