Giá đất nền tại nhiều huyện giáp ranh Hà Nội tăng mạnh nhưng giao dịch chưa tăng tương xứng, nhà đầu tư vẫn thận trọng, lo ngại rủi ro mua vào ở vùng đỉnh.

Thị trường đất nền tại các huyện giáp ranh Hà Nội đang ghi nhận mức tăng giá đáng kể chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư hiện vẫn khá thận trọng, nhiều người tạm thời đứng ngoài quan sát vì lo ngại giá đã bị đẩy lên quá cao, tiềm ẩn rủi ro mua vào ở vùng đỉnh.
Theo khảo sát, từ đầu năm 2025 đến nay, giá đất nền tại một số khu vực giáp Hà Nội như Văn Giang, Yên Mỹ (Hưng Yên), Tiên Du, Từ Sơn (Bắc Ninh), Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) và Phổ Yên (Thái Nguyên) đã tăng trung bình từ 15-25%, cá biệt có nơi tăng trên 30%.
Tại huyện Văn Giang, giá đất tại các trục đường chính, khu vực vòng xuyến, nơi tập trung nhiều nhà hàng, ngân hàng, khách sạn – đã tăng từ mức 55-60 triệu đồng/m2 năm 2020 lên 125-150 triệu đồng/m2 hiện nay. Nhiều lô đất nằm sâu hơn cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, từ khoảng 28-35 triệu đồng/m2 lên mức 50-60 triệu đồng/m2.
Tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại khu vực phường Tân Hồng (TP.Từ Sơn, Bắc Ninh), nơi nhiều lô đất diện tích nhỏ đã tăng từ khoảng 2,1 tỉ đồng lên 2,5-2,6 tỉ đồng chỉ sau vài tháng. Tại xã Tân Phú (Phổ Yên, Thái Nguyên), nơi có nhiều nhà đầu tư đổ về đón đầu hạ tầng kết nối với Vành đai 5 Hà Nội, một số dự án đất nền đã tăng tới 20-30% so với thời điểm đầu năm.
Dù giá tăng nhanh nhưng thị trường vẫn chưa thực sự sôi động, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng. Chị Trần Thu Huyền – nhà đầu tư cá nhân tại Hà Đông – cho biết, chị vừa rút cọc một lô đất tại xã Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang, Hưng Yên) dù giá chỉ mới nhích nhẹ so với mặt bằng chung.
“Tôi thấy giá nhiều khu vực tăng nhanh quá trong khi chưa thấy tiến độ hạ tầng có gì mới. Môi giới nói sắp tới còn tăng nữa nhưng tôi không chắc, nên quyết định dừng lại để quan sát thêm. Giờ mà vào sai thời điểm, mua ở vùng đỉnh thì rất dễ mắc kẹt”, chị Huyền chia sẻ.
Cùng quan điểm, anh Lê Văn Dũng – một nhà đầu tư đang theo dõi khu vực Từ Sơn – cũng thừa nhận đang “nằm im” dù thấy giá tăng. “Tôi từng mua đất ở khu vực này năm 2022, lúc đó cũng sốt rồi chững rất nhanh. Lần này giá lên lại nhưng tôi thấy người mua không thật sự nhiều, phần lớn vẫn là môi giới và nhà đầu tư đẩy qua đẩy lại, giao dịch thực không nhiều nên tôi không dám mạo hiểm”, anh Dũng chia sẻ.
Theo anh Nguyễn Hoài Nam – một môi giới bất động sản khu vực Bắc Ninh, thị trường thời gian qua đón làn sóng đầu tư mới nhờ kỳ vọng hạ tầng vùng Thủ đô được thúc đẩy, nhất là các tuyến vành đai, trục liên tỉnh. Tuy nhiên, anh Nam cũng cho biết, lượng người hỏi thì nhiều nhưng số lượng giao dịch thành công vẫn chưa tăng tương ứng.
“Giá tăng nhưng thanh khoản chưa phản ánh đúng mức độ quan tâm. Khách hàng bây giờ rất thận trọng, họ tìm hiểu rất kỹ, sợ giá bị đẩy lên do đầu cơ chứ chưa phản ánh giá trị thật”, anh nói.
Đánh giá về thị trường đất nền giáp ranh, tiêu biểu như Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) – nhận định, Hưng Yên là thị trường còn trẻ, quỹ đất rộng, giá cả còn nhiều dư địa tăng trưởng so với các tỉnh giáp ranh Hà Nội. Ngoại trừ một số khu vực đã có các ông lớn đổ vốn đầu tư khiến giá bất động sản tăng cao, mặt bằng chung vẫn ở mức thấp, trở thành lợi thế và dư địa lớn để phát triển.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư cần tỉnh táo, không chạy theo các cơn sốt hay lao theo tâm lý đám đông. “Sự tỉnh táo giúp nhà đầu tư lựa chọn các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính và lựa chọn được sản phẩm có pháp lý đảm bảo”, ông Đính nói.
Theo Lao Động
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm :
Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, CafeL.xyz không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. CafeL.xyz chỉ cung cấp thông tin này như một kênh tham khảo thêm dành cho các độc giả!