Nhiều chủ dự án lợi dụng khoảng trống pháp luật để ký kết hợp đồng, văn bản thỏa thuận đặt cọc mua nhà nhằm huy động vốn trái phép, làm phát sinh tranh chấp, gây bất ổn thị trường bất động sản.
Vấn đề được Chính phủ đưa ra trong tờ trình Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng, ký trình Quốc hội.
Ngăn ‘lách luật’ nhận đặt cọc
Trong tờ trình vừa gửi tới Quốc hội, Chính phủ cũng nêu tên một số chủ dự án đã lợi dụng việc đặt cọc mua nhà điển hình tại một số dự án thời gian qua như: khu đô thị Hera Complex Riverside tại Quảng Nam; nhóm Công ty Alibaba ký hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ tại dự án Tây Bắc Củ Chi, TP.HCM dù chưa được Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc chấp nhận hợp tác đầu tư; vụ hàng trăm khách hàng ký hợp đồng đặt cọc mua nhà tại dự án Roxana Plaza, dự án Happy One Central, dự án C-River View (Bình Dương).
Thực trạng này, theo Bộ Xây dựng, đã gây bất ổn cho thị trường bất động sản.
Vì thế trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) lần này trình Quốc hội, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định chủ dự án chỉ được huy động tiền đặt cọc của khách hàng sau khi dự án đủ điều kiện bán nhà, được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Buộc chủ dự án chi tiền huy động từ khách hàng đúng mục đích
Về thanh toán trong giao dịch bất động sản, tờ trình của Chính phủ cũng đề xuất quy định chủ dự án phải mở một tài khoản riêng tại ngân hàng để tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền thanh toán hợp đồng của khách hàng, cung cấp thông tin tài khoản cho khách hàng mua nhà, bảo đảm nguồn huy động của khách hàng sử dụng đúng vào mục đích phát triển dự án.
Đồng thời chủ dự án bất động sản phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng để bảo đảm nghĩa vụ bàn giao nhà ở cho người mua, thuê nhà ở hình thành trong tương lai.
Khi người mua, thuê nhà chưa nhận được chứng thư bảo lãnh từ tổ chức tín dụng thì chủ dự án không được giải ngân số tiền đã huy động từ người mua nhà.
Giao dịch nhà ở qua sàn
Trong tờ trình gửi tới Quốc hội lần này, Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch. Bởi nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu rõ phải bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai minh bạch như công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã rà soát, chỉnh sửa khoản 5 điều 61 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng bỏ quy định giấy xác nhận qua sàn làm căn cứ để kê khai nộp thuế, đăng ký biến động, sang tên quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất.
Bổ sung quy định người đại diện sàn giao dịch bất động sản ký xác nhận giao dịch thành công vào hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và khách hàng. Hợp đồng này làm căn cứ để làm các thủ tục tiếp theo theo quy định của pháp luật liên quan.
Quy định này để làm rõ nguyên tắc tổ chức hoạt động, nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản, mối quan hệ giữa xác nhận giao dịch qua sàn với công chứng và đăng ký đất đai theo đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng theo dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản vừa được Chính phủ trình Quốc hội thì chủ đầu tư được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đất đai dự án.
Theo Tuổi Trẻ