Câu hỏi này được nhiều người quan tâm đặc biệt là trong giới bất động sản. Đây là vấn đề gây bức xúc trong xã hội hiện nay. Do đó trong kỳ họp Quốc ngày 30/05/2022, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay”.
Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những tác động tiêu cực của các tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện Luật quy hoạch từ khi luật có hiệu lực đến nay, nhất là vấn đề thu hút đầu tư.
Theo đại biểu đoàn Bình Thuận, các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi bỏ tiền đầu tư ở một địa phương, một khu vực nào đó điều dầu tiên họ xem cam kết của Nhà nước, của chính quyền đó như thế nào. Việc cam kết thể hiện thông qua công cụ quản lý nhà nước đó là công tác quy hoạch. Nhưng có một thực tế hiện nay việc triển khai hiện đang rất chậm khi chỉ có 7/111 quy hoạch được phê duyệt.
“Chưa có quy hoạch thì biết đầu tư vào đâu? Như vậy có phải đã chưa phát huy hết nguồn lực xã hội cho phát triển, trách nhiệm thuộc về ai?”, ông Thông đặt vấn đề.
Liên quan đến vấn đề điều chỉnh cục bộ quy hoạch, theo ông Thông, chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, nhất là việc điều chỉnh quy hoạch trong phạm vi nhỏ, quy mô nhỏ liên quan đến việc triển khai các thủ tục đầu tư.
Từ đó, ông Thông kiến nghị Quốc hội, Chính phủ phân cấp cho UBND hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định vấn đề trên sau khi thống nhất với các bộ quản lý chuyên ngành nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, kiến tạo và thu hút nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Liên quan đến quy hoạch treo, ông Thông chỉ ra có nhiều quy hoạch treo, dự án treo kéo dài nhiều năm, gây bức xúc, nhất là đối với những người dân nằm trong vùng có quy hoạch treo, dự án treo. Việc này vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đất đai vừa làm làm giảm niềm tin của người dân với chính quyền.
Vì vậy, ông Thông kiến nghị cần ban hành quy định thời gian thực hiện. Nếu quy hoạch sau 3 hoặc 5 năm từ khi được phê duyệt không thực hiện sẽ hết hiệu lực và có chế tài xử lý tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.
Chậm công bố quy hoạch gây “sốt ảo” đất đai
Cũng tại phiên thảo luận, ông Lê Thanh Hoàn, đại biểu tỉnh Thanh Hóa, cho biết công tác công bố công khai thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn trên thực tế. Việc công bố công khai thông tin quy hoạch nói chung còn rất hình thức, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng.
Dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Xây dựng, ông Hoàn cho biết, toàn quốc hiện có 53 tỉnh thành phố đã thực hiện việc đăng tải với tổng số 1.087 đồ án. Theo thống kê cho thấy có 10 địa phương chưa thực hiện đăng tải quy hoạch.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ lập kế hoạch bảo đảm chất lượng quy hoạch, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo cụ thể hơn với Quốc hội vấn đề công khai thông tin quy hoạch.
Đại biểu tỉnh Thanh Hóa, cho biết theo quy định, các quy hoạch phải được công khai thông tin theo yêu cầu trên cổng thông tin của các tỉnh, thành phố, huyện có quy hoạch. Tuy nhiên, việc công bố ở một số đang làm rất hình thức.
“Nhiều quy hoạch được công bố chỉ có quyết định mà không có bản vẽ, bản đồ cụ thể, hoặc nếu có thì bản đồ nhỏ, dung lượng thấp không thể xem rõ nội dung. Những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó tiếp cận”, Vị đại biểu tỉnh Thanh Hóa nhận xét.
Ông Hoàn cho rằng đây là một trong những nguyên nhân đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương.
Tuy nhiên việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan tổ chức cá nhân không thực hiện việc công bố thông tin chưa được thực hiện nghiêm túc. Do đó, đại biểu kiến nghị quốc hội cần bổ sung biện pháp, chế tài cụ thể về xử lý việc không công bố, công khai thông tin theo quy hoạch.