Trong 9 tháng đầu năm, dư nợ cho hoạt động kinh doanh bất động sản của nhiều ngân hàng tăng hơn 20%.
Ngày 13/11/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Hội nghị do Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng chủ trì.
Theo NHNN, tính đến 31/10, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Đến 30/9, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong đó, tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng, tự sử dụng chiếm 64%; Dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỉ trọng 36%.
Theo NHNN, 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng cao hơn tỉ lệ tăng trưởng tín dụng chung và tín dụng bất động sản cùng kỳ năm trước.
Theo đó, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng tới 30/9 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng tập trung vào mục đích tiêu dùng sử dụng chiếm 64%, dư nợ với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36%.
Theo tỷ trọng này, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản đạt khoảng 986.400 tỷ đồng. So với năm 2022, cả tỷ trọng và tăng trưởng của phân khúc này đều tăng mạnh.
Năm trước, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản – khoản cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án – chiếm 31% tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, với quy mô đến cuối năm 2022 khoảng 800.000 tỷ đồng.
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng khoảng 22%.
Hiện, thị trường bất động sản vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn: Vướng mắc pháp lý về đất đai, quy hoạch; Thủ tục hành chính; Năng lực tài chính doanh nghiệp bất động sản còn nhiều hạn chế, phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài: Vốn tín dụng, trái phiếu, huy động từ khách hàng…
NHNN cho hay thời gian tới tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, kinh tế vĩ mô… để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế.
NHNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách. Hiện, NHNN đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn Thông tư 03, Thông tư 06 để kịp thời ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân; Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng khó khăn.
Theo Thanh niên Việt