Thủ tướng Chính phủ phê bình các địa phương chậm ban hành văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024; Những hé lộ bất ngờ về tiềm lực của DOJI Land sau 10 năm thành lập; TCH bị Thanh tra Chính phủ nhắc tên liên quan đến dự án 275 Nguyễn Trãi,… là một số tin tức bất động sản nổi bật tuần qua.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; hoàn thành trước ngày 15 tháng 10 năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 105/CĐ-TTg ngày 10/10/2024 về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai.
Qua nắm bắt tình hình thực tế và tổng hợp báo cáo của các cơ quan, ban ngành, địa phương, các tỉnh, thành phố vẫn chưa ban hành đầy đủ các nội dung được giao trong Luật và các Nghị định; đặc biệt, một số tỉnh, thành phố chưa ban hành được một nội dung nào để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (gồm các tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Bình Phước, An Giang). Thủ tướng Chính phủ phê bình các tỉnh, thành phố còn chậm trễ trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Bất ngờ tiềm lực của DOJI LAND sau 10 năm thành lập
Sau 10 năm thành lập, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của DOJI Group, DOJI Land đã liên tục gia tăng danh mục và quy mô dự án bất chấp những trồi sụt trong kết quả kinh doanh của DOJI Group và của chính DOJI LAND.
Về tình hình tài chính của DOJI Group, doanh nghiệp sở hữu hệ sinh thái đa ngành với trọng tâm là kinh doanh vàng bạc đá quý do doanh nhân Đỗ Minh Phú sáng lập. Năm 2023, lợi nhuận sau thuế của DOJI Group sụt giảm 51,67% xuống chỉ còn 491,3 tỷ đồng so với mức lãi ròng của năm 2022 là 1.016,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cùng với đà sụt giảm mạnh của lãi ròng thì nợ phải trả của DOJI Group lại tăng đến 27,77% từ mức khoảng 12.404,9 tỷ đồng cuối năm 2022 lên đến 15.850,9 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023.
Dù kết quả lợi nhuận năm 2022 của DOJI Group đạt 1.016,7 tỷ đồng, tuy nhiên, trước đó vào năm 2021, DOJI Group lại chỉ báo lãi 233,8 tỷ đồng. Trong khi lợi nhuận ròng thu được liên tục trồi sụt thì nợ phải trả của DOJI Group lại tăng trưởng “bền vững” từ mức 922,9 tỷ đồng (2021) lên 12.404,9 tỷ đồng (2022) và đạt 15.850,9 tỷ đồng (2023).
Về DOJI Land, năm 2023, doanh thu thuần năm 2023 của DOJI Land đạt 126 tỷ đồng, giảm tới 95% so với năm trước. Lợi nhuận gộp vì vậy chỉ đạt 33 tỷ đồng, giảm tới 97%. Biên lợi nhuận gộp giảm một mạch từ 35,27% của năm trước xuống chỉ còn 26,19%.
Liên quan đến hoạt động của DOJI Land tại Hải Phòng, mới đây, Công ty Cổ phần Hải Phòng Invest (công ty con của DOJI LAND) vừa bị đề nghị truy thu 4,4 tỷ đồng do kê khai chưa đúng thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023.
Tại Hải Phòng, Hải Phòng Invest hiện là chủ đầu tư 2 dự án Diamond Crown và Golden Crown tại mặt đường Lê Hồng Phong, thành phố Hải Phòng.
Vào ngày 6/4/2023, DOJI Land đã thế chấp phần vốn góp tại Hải Phòng Invest (68 triệu cổ phần tương tương 44,74% vốn điều lệ) cho Vietinbank Chi nhánh Hai Bà Trưng. Ngoài ra, tại dự án Khu phức hợp Vương miện Kim Cương Hải Phòng (Diamond Crown Complex Hai Phong), mới đây, Hải Phòng Invest đã thế chấp hơn 1000 hợp đồng mua bán, đặt cọc với khách hàng tại TPBank.
Thanh tra Chính phủ nhắc tên CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) liên quan đến dự án tại 275 Nguyễn Trãi
Qua thanh tra dự án 275 Nguyễn Trãi, Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận thông tin, tài liệu, xem xét, điều tra, xử lý theo quy định đối với việc CTCP Cơ khí chính xác số 1 chuyển nhượng 3,2 triệu cổ phần tại CTCP Thương mại Hưng Việt cho Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy theo mệnh giá, không đấu giá, không thẩm định giá cổ phần.
Ngày 11/10, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2019 của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa.
Theo kết luận, đối với khu đất 23.380m2 tại số 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phát hiện một số sai phạm. Thanh tra Chính phủ cũng chuyển hồ sơ, đề nghị Bộ Công an tiếp nhận để xem xét, điều tra 2 nội dung liên quan dự án 275 Nguyễn Trãi và xử lý theo quy định.
Cụ thể, từ việc góp vốn không đúng quy định, UBND TP Hà Nội thu hồi 23.380m2 đất cơ sở sản xuất của Công ty cổ phần Cơ khí chính xác số 1, giao cho Công ty CPTM Hưng Việt để thực hiện dự án nhà ở, không thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để đấu giá theo quy định.
Công ty cổ phần Cơ khí chính xác số 1 chuyển nhượng 3,2 triệu cổ phần tại Công ty Hưng Việt cho Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy theo mệnh giá, không đấu giá, không thẩm định giá cổ phần. Việc này bị kết luận là vi phạm nghị định của Chính phủ.
Trái chiều quan điểm về đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2
Các chuyên gia và hiệp hội ngành nghề hiện còn có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất đánh thuế bất động sản để ngăn chặn tình trạng đầu cơ thổi giá gây nhiễu loạn thị trường.
Thực tế cho thấy, đề xuất đánh thuế bất động sản, đặc biệt là với những bất động sản thứ 2 trở lên và thuộc diện đầu cơ giá chứ không đưa đất vào sản xuất kinh doanh đã có từ cách đây 20 năm, tuy nhiên, vì nhiều lý do, ý tưởng này hiện vẫn đang “nằm trên giấy”.
Kinh nghiệm quốc tế, nhất là tại các nền kinh tế phát triển cho thấy, việc đánh thuế bất động sản là công cụ hữu hiệu trong việc định hướng dòng tiền đi vào nền kinh tế thông qua các hình thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ chứ không phải vào đầu cơ bất động sản để không tạo ra giá trị gia tăng.
Tại thị trường Việt Nam thời gian qua, vấn nạn phân lô bán nền tràn lan đã lan rộng từ thành phố đến nông thôn, len lỏi khắp “hang cùng ngõ hẻm”, đâu đâu người dân cũng bàn tán về giá đất, về mua vào bán ra ăn lời “khủng”.
Bên cạnh đó, hàng trăm khu đô thị “ma” mọc lên với hàng trăm ngàn biệt thự “triệu đô” xây xong phần thô rồi để phơi sương hàng thập kỷ ngay tại những vị trí “đất vàng” của Hà Nội cũng là những vấn đề đặt ra bức thiết đối với đề xuất phải có sắc thuế bất động sản.
Hanaka bị phạt do loạt vi phạm công bố thông tin
Ngày 9/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra Quyết định số 403/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Tập đoàn Hanaka (OTC: Hanaka). Số tiền bị phạt là 92,5 triệu đồng.
Nguyên nhân là do Tập đoàn HANAKA đã không công bố trên hệ thống công bố thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và trên Trang thông tin điện tử của Công ty đối với các tài liệu sau: Báo cáo tài chính quý 1, 2, 3, 4 năm 2023 và bán niên năm 2023; Báo cáo tài chính quý 1, quý 2 năm 2024; Báo cáo tình hình quản trị công ty đại chúng năm 2022, bán niên năm 2023, năm 2023, bán niên năm 2024; Báo cáo thường niên năm 2022 và năm 2023, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, năm 2024.
Bên cạnh đó, Công ty đã không công bố trên hệ thống công bố thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đối với Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022; Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đối với: Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023).
…. Và nhiều thông tin bất động sản nổi bậc khác được đăng trong tuần qua tại CafeL.xyz
CafeL tổng hợp
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm :
Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, CafeL.xyz không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. CafeL.xyz chỉ cung cấp thông tin này như một kênh tham khảo thêm dành cho các độc giả!